BHG - Đến xã Nà Chì (Xín Mần) thời điểm này, dọc hai bên đường Tỉnh lộ ĐT.178 nhiều tấm bạt được người dân trải rộng phơi từng miếng vỏ quế tỏa hương thơm khắp vùng. Trên những sườn đồi một màu xanh bạt ngàn, cây quế đang vào mùa thu hoạch. Nhiều năm qua, cây quế không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại thu nhập cho người dân địa phương, từ đó nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Lục Hải Đường, thôn Tân Sơn giới thiệu về đồi quế của gia đình đã đủ tuổi khai thác. |
Trò chuyện với ông Lục Hải Đường, sinh năm 1957 trong ngôi nhà sàn bằng bê tông rộng rãi, khang trang nhất thôn Tân Sơn. Ông Đường là một gương điển hình trong phát triển kinh tế vườn rừng. Nói đến ông, nhiều người dân trong xã đều biết đến như một “đại gia” trồng quế. Trong chén nước chè vàng óng còn mang đậm hương vị của mùa Xuân, ông Đường chia sẻ về việc bén duyên với cây quế. Năm 1996, khi đó ông là một cán bộ xã, tuy nhiên do sức khỏe yếu nên không thể tiếp tục công việc của “làng nước”. Tại một buổi tiếp xúc cử tri ở trụ sở UBND xã Nà Chì, ông được một lãnh đạo tỉnh gợi ý về thử nghiệm trồng quế trên đồi. Sau nhiều lần tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, ông quyết định đầu tư trồng 0,4 ha cây quế. Ông Đường kể: Những năm đầu, công việc chăm sóc gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức kỹ thuật, nguồn vốn eo hẹp và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, với sự kiên trì và tinh thần vượt khó, tôi đã vượt qua được giai đoạn thử thách. Để cải tiến kỹ thuật trong trồng trọt, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp do địa phương tổ chức, đồng thời chủ động tìm kiếm tài liệu có liên quan đến cách trồng, chăm sóc cây quế. Sau 7 năm, lứa quế đầu tiên cho thu hoạch đã mang lại nguồn lợi lớn, giúp gia đình có vốn mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông Đường đã sở hữu gần 12 ha cây quế; năm 2024, ông thu nhập gần 200 triệu đồng từ quế. Trung bình mỗi ha quế trưởng thành có thể cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng, thậm chí hơn nếu giá thị trường cao. Với mô hình trồng quế, đến nay gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí; số tiền tích lũy đã giúp gia đình ông có kinh phí xây dựng nhà ở và mua sắm đồ dùng trong nhà. Ngoài giá trị kinh tế, trồng quế còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường; cây quế giúp giữ đất, giữ nước, hạn chế xói mòn và cải thiện độ phì nhiêu của đất; nhờ có rừng quế phủ xanh, hệ sinh thái ở khu vực này cũng dần được phục hồi.
Theo ông Đường, cây quế như của để dành để lâu năm lại càng có giá trị. Hiện tại, tôi có hơn 1ha cây quế đến tuổi khai thác nhưng chưa cần chi tiêu vào việc gì nên vẫn để đó, lúc nào túng thiếu tôi sẽ bán. Khi bán, người dân có thể bóc vỏ bán cho thương lái hoặc các thương lái sẽ mua hết cả vườn và tự khai thác. Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng quế, ông Đường chia sẻ thêm: Để cây quế phát triển mạnh thì việc trồng và chăm sóc đều phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật “chọn giống – đúng thời vụ - trồng đúng mật độ và chăm sóc đúng cách”. Nếu trồng quế thì trồng từ tháng 10 năm trước đến mùa Xuân năm sau khi thời tiết mát mẻ và đáp ứng đủ nước thì cây phát triển tốt. Khi trồng phải lựa chọn cây giống không quá già, cây có chiều cao, độ mập của thân cây. Ngoài ra, làm cỏ, tỉa cành phải thường xuyên.
Thành công của gia đình ông Lục Hải Đường đã trở thành tấm gương vượt khó cho nhiều hộ nông dân khác trong vùng. Từ việc tiên phong trồng quế, đến nay trên địa bàn xã có gần 500 ha cây quế của các hộ dân ở các thôn triển khai trồng. Phó Chủ tịch UBND xã Nà Chì, Lù Văn Luyện chia sẻ: Ông Lục Hải Đường là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế từ rừng. Mô hình của ông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn rất bền vững, phù hợp với định hướng phát triển Nông thôn mới của xã.
Bài, ảnh: VĂN LONG
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/na-chi-thu-nhap-cao-tu-trong-que-38e34ac/
Bình luận (0)