Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4): Giao thoa nền văn hóa đậm đà bản sắc

Việt NamViệt Nam18/04/2025


Năm mươi bốn dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với những đặc trưng về văn hóa như: lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, ứng xử... đã cấu thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc cho đất nước.

Chính vì vậy, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1668, lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam để nền văn hóa độc đáo ấy tiếp tục được tôn vinh và gìn giữ!

Đa dạng sắc thái Kinh - Khmer - Hoa

Ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa với những sắc thái văn hóa riêng hợp thành nét đẹp văn hóa Bạc Liêu, vừa mang tính đặc trưng lại vừa góp phần vào tính đa dạng cho nền văn hóa chung của 54 dân tộc Việt Nam.

Tuy mỗi dân tộc đều có những nét riêng về văn hóa nhưng luôn có sự giao thoa. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những lễ hội đặc trưng ở Bạc Liêu như: Kỳ yên, Thanh minh, Nghinh Ông, Oóc-om-bóc, Dạ cổ hoài lang…, sẽ nhận ra một điều, ở mỗi lễ hội không riêng lẻ một tộc người nào tham gia mà luôn có sự hưởng ứng của tất cả! Tết Nguyên đán, Chôl-chnăm-thmây, Kỳ yên... đều được người Kinh, Khmer và Hoa tưng bừng chào đón! Đó không chỉ là sự giao thoa tự nhiên thắm tình đoàn kết dân tộc, mà sâu thẳm hơn, thiêng liêng hơn là vì ở đó còn có cả mối quan hệ của ruột rà, tình thân: không ít gia đình ở Bạc Liêu có cả 3 dân tộc hòa quyện trong huyết thống.

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Bạc Liêu, chia sẻ: “Rất dễ nhận ra sự giao thoa văn hóa ở Bạc Liêu. Ở đây, nhiều lễ hội của mỗi dân tộc đã không còn là lễ hội riêng của dân tộc nào mà hòa quyện thành ngày hội chung. Mỗi dân tộc anh em đều chung vui cùng nhau trong không khí hân hoan đó, như thể hiện sự thắt chặt tình đoàn kết để cùng phát triển quê hương”.

Sân khấu hóa cho tinh thần đoàn kết, chung tay ấy còn là những tiết mục văn nghệ đậm tình anh em của 3 dân tộc trên sân khấu biểu diễn chào mừng các sự kiện chính trị, những ngày lễ, tết ở Bạc Liêu.

Văn hóa các dân tộc Việt Nam hình thành, giao thoa và phát triển theo chiều dài lịch sử của dân tộc. Ðó là sự kết tinh của cả một quá trình lao động, sáng tạo từ bao đời nay để tạo nên một nền văn hóa giàu đẹp, thống nhất trong đa dạng, tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc!

Nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng lễ, tết ở Bạc Liêu luôn có sự hòa quyện tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa. Ảnh: H.T

Giao thoa để phát triển

Trong chuỗi sự kiện của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu tổ chức những năm gần đây, luôn có hoạt động “Không gian văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Ở đó, nhiều loại hình nghệ thuật của các dân tộc anh em trên phạm vi cả nước được khoe sắc. Gần đây nhất, trên sân khấu của chương trình nghệ thuật khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 còn có nghi lễ Mo Mường - một nghi lễ độc đáo của dân tộc Mường ở các tỉnh phía Bắc, cũng được giới thiệu để người dân Bạc Liêu biết thêm một tín ngưỡng, nghi lễ độc đáo của một trong 54 dân tộc anh em mình.

Đó là Bạc Liêu đã nhận thức sâu sắc rằng, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, bảo đảm giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập.

Truyền thống văn hóa chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước. 54 dân tộc anh em từ thời khai hoang mở đất, cùng chung tay xây dựng, đấu tranh, bảo vệ từng tấc đất quê hương trong chiến tranh cho đến thời bình chung sức, chung lòng phát triển đất nước, đã cùng bồi đắp nên một kho tàng di sản đa dân tộc vô cùng quý giá! Sự giao thoa, tiếp biến và phát triển ấy đã làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi”, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam hằng năm là lúc nhắc nhở sâu sắc hơn nữa thông điệp gìn giữ và bảo vệ, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, và mỗi dân tộc anh em chính là một cánh tay nối dài. Cùng nhau phát huy truyền thống văn hóa là góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

CẨM THÚY



Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/ngay-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-19-4-giao-thoa-nen-van-hoa-dam-da-ban-sac-100267.html

Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm