Trại sáng tác diễn ra trong những ngày Đà Lạt rực rỡ cờ, hoa là niềm cảm xúc lớn trong các tác phẩm |
15 nhà văn, nhà thơ tham dự trại sáng tác đa số đến từ nhiều miền quê khác nhau, sống gắn bó với Đà Lạt, công tác ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có nhiều góc nhìn khác nhau về Đà Lạt; nhưng đều có chung một tình yêu dành cho Đà Lạt. Trại viết diễn ra trong niềm hân hoan, niềm xúc cảm mạnh mẽ trước sự đổi thay phát triển của quê hương Lâm Đồng, Đà Lạt sau 50 năm thống nhất. Trại viết là cơ hội để các văn nghệ sĩ cùng bày tỏ gửi gắm tình cảm với mảnh đất xinh đẹp đang sống qua ngòi bút của mình.
Với tinh thần lao động sáng tạo nghiêm túc, chỉ trong thời gian ngắn, các văn nghệ sĩ đã tìm ý tưởng, tư duy đề tài, thu thập tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, nhân vật; từ đó có những suy nghiệm sâu hơn về quá khứ, lịch sử và trải nghiệm, chiêm nghiệm kỹ hơn với thực tiễn cuộc sống đương đại, sáng tác nên nhiều tác phẩm có chất lượng nội dung và nghệ thuật. Sau 10 ngày tư duy các nhà văn, nhà thơ đã cho ra đời 50 tác phẩm, trong đó gồm có 10 văn xuôi (2 truyện ngắn, 2 lý luận phê bình, 6 bút ký) và 40 bài thơ.
Đa số nhà văn, nhà thơ tham gia trại viết đều cao tuổi, nhưng tâm huyết, bút lực, sức sáng tác vẫn không suy giảm. Mỗi tác phẩm là tích tụ những tháng ngày gắn bó với Đà Lạt, là cơ hội để bật lên xúc cảm. Các tác giả cao tuổi được trải qua những năm tháng gian khó của chiến tranh và sống trong 50 năm đất nước hòa bình cảm nhận về Đà Lạt có sự trải nghiệm; các tác giả trẻ nhìn Đà Lạt với góc nhìn tươi mới của những người sinh ra sau chiến tranh. Trong đó, đất và người Đà Lạt hiện lên với đầy đủ vẻ đẹp qua từng vần thơ, trang văn.
Dòng cảm xúc về quá khứ để nhắc nhớ hiện tại là dòng chủ lưu trong những bài bút ký. “Hành trình 50 năm với những dòng kênh” của tác giả Lê Mưu được viết nên như những dòng hồi ký của một nhân chứng dành cả thanh xuân gắn bó với ngành thủy lợi Lâm Đồng. Đó là hành trình chinh phục thiên nhiên, đổ mồ hôi, trí tuệ biến một miền đất hoang sơ, khô cằn, thiếu nước vào mùa khô, úng lụt vào mùa mưa thành một vùng đất với kênh mương, hồ đập, tưới tắm cho đất nở hoa, xanh tươi trù phú. Trong bút ký “Công trình khoa học kỹ thuật số 3 trong 1”, nhà văn Võ Trần Phú đã khắc họa sự phát triển của Đà Lạt hôm nay qua câu chuyện sáng tạo kỹ thuật của nông dân làng hoa Thái Phiên. Tác giả đã vẽ nên nhiều nét đặc sắc của người nông dân hiện đại ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh giữa không gian làng trong phố.
Bài ghi chép “Dư âm cũ và không gian mới” của nhà văn Uông Thái Biểu đã dẫn dắt người đọc trong dòng chảy đời sống văn nghệ ở xứ mộng mơ với chân dung những con người đặc biệt. Hai truyện ngắn “Bữa tiệc và người mẹ” (Hoàng Kim Ngọc) và “Ám ảnh người dưng” (Trần Thanh Hùng) đều là những câu chuyện hay về những con người lãng mạn, nhân văn ở miền đất lành, họ đã tạo nên nét tính cách đặc trưng chung của cư dân Đà Lạt, nồng hậu, nhiệt thành, hiền hòa, thanh lịch, mến khách.
Là các cây bút trẻ tham dự trại viết, tác giả Trần Thanh Thủy đã viết nên 2 bài ký “Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt và tôi”, “Hạt giống đỏ trong vườn hoa thành phố” đã thể hiện rõ tình yêu và niềm tự hào, biết ơn với thế hệ đi trước của người trẻ tuổi được sinh ra, lớn lên trong hòa bình. Tác giả trẻ Hoàng Ngọc Thanh với 2 bài ghi chép “Về chốn cao nguyên” và “Đà Lạt mảnh ghép đa màu” đã kể về quá trình phát triển của Đà Lạt khéo léo lồng câu chuyện cuộc đời của những nhân vật đã tận tâm tận lực cống hiến cho Đà Lạt là PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh và cựu Trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc.
40 bài thơ đã thể hiện cảm xúc dâng tràn, những trải nghiệm khác nhau của những người thơ, hồn thơ. “Hoa gió cao nguyên” của nhà thơ Phạm Vĩnh không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là tư duy mỹ cảm về vẻ đẹp của con người, cỏ cây, hoa lá giao hòa giữa không gian khoáng đạt. “Gõ nhịp ban mai”, “Trong ngôi nhà cũ”, “Xuống phố cùng em” là những thi ảnh thể hiện một tình yêu không bao giờ xưa cũ với nơi chốn gần gũi, thân thuộc trong không gian Đà Lạt trong cảm thức thời gian trôi không thể níu giữ. Nhà thơ Lê Đình Trọng luôn nỗ lực tìm tòi hình thức thể hiện để đạt được mỹ cảm đẹp của ngôn từ, ý, tứ qua 3 bài thơ.
Dòng cảm xúc tự hào, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước 50 năm sau ngày giải phóng, ngợi ca con người, xứ sở được nhiều tác giả quan tâm. Cao tuổi nhất trại viết, nhà thơ TS. Nguyễn Mộng Sinh (86 tuổi) đã cho ra đời 16 thi phẩm thể hiện tinh thần lạc quan, vừa đau đáu với cuộc đời và đầy tinh thần trách nhiệm công dân qua các bài “Giai điệu tháng Tư”, “Đêm hội mùng 3 tháng 4”, “Kỷ nguyên mới”. Nhà thơ Lê Bá Cảnh với những vần thơ tự hào về vẻ đẹp quê hương qua “50 năm nhìn lại”, “Đến thác Prenn”, “Thiền viện Trúc Lâm”; đó là nhà thơ Hoàng Lâm với “Thành phố nhạc và hoa”, “Mái phố cao nguyên”...
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã biểu dương ghi nhận thành quả đạt được, sự nỗ lực lao động, niềm đam mê sáng tạo của các văn nghệ sĩ, đồng thời nhấn mạnh: Các tác phẩm văn học từ trại viết là món quà to lớn, ý nghĩa của các nhà văn, nhà thơ dành cho Đà Lạt sau 50 năm giải phóng, góp thêm một nét đậm khẳng định Đà Lạt luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Dù trong thời gian ngắn, nhưng các tác phẩm đã thể hiện sự nỗ lực lao động sáng tạo rất đáng trân trọng. Qua đó, phản ảnh những thành tựu kết quả, tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất, con người Đà Lạt bằng nghệ thuật ngôn từ. Mong rằng sau trại viết, các cây bút có thêm tư liệu quý giá tiếp tục sáng tạo nên nhiều tác phẩm mang vấn đề lớn, hay về nội dung, đẹp về hình thức, chất chứa tình đất, tình người của xứ sở ngàn hoa, thể hiện cái nhìn đa chiều toàn diện sâu sắc về Đà Lạt.
Nguồn: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/nhieu-tac-pham-van-hoc-mung-da-lat-50-nam-giai-phong-0070641/
Bình luận (0)