Gia trại chăn nuôi và trồng trọt của anh Võ Thế Dũng ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn) nằm giữa vùng đồi núi với bát ngát màu xanh của những nương chè. Sinh ra và gắn bó với sản xuất nông nghiệp ở xã Hùng Sơn, anh Võ Thế Dũng cho biết, lựa chọn khởi nghiệp từ lợi thế của địa phương về chăn nuôi, trồng trọt, anh không những trăn trở việc nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, canh tác hữu cơ.

Vì vậy, anh Võ Thế Dũng đã từng bước danh nguồn lực đầu tư các mô hình sản xuất hữu cơ, như sử dụng chất thải từ vật nuôi để làm thức ăn cho giun quế. Từ mô hình nuôi giun quế sẽ cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ và cung cấp thức ăn cho vật nuôi gà, cá và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón lá hữu cơ.
Năm 2024, anh Võ Thế Dũng đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng chuồng và mua giống giun quế chăn nuôi. Sau hơn 1 năm tận dụng chất thải của khu chăn nuôi lợn để làm thức ăn cho giun quế và ủ biogas, anh Võ Thế Dũng mày mò nghiên cứu sản xuất phân bón lá từ giun quế.

Ông Nguyễn Xuân Tý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn cho biết, đây là mô hình sản xuất phân bón lá đầu tiên của nông dân xã Hùng Sơn sử dụng công nghệ thủy phân kết hợp gia nhiệt.
“Với địa phương có hơn 90% hộ dân sinh sống bằng trồng chè và hiện xã đang định hướng, vận động người dân thực hành trồng chè hữu cơ, sử dụng phân bón lá hữu cơ là hết sức cần thiết và hiệu quả. Vì vậy, trên địa bàn xã có thể sản xuất được loại phân bón này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân áp dụng”, ông Tý cho biết.
Anh Võ Thế Dũng cho biết, thông thường nếu sản xuất phân bón lá đạt chuẩn từ cá hoặc giun quế theo cách ủ thủy phân trong bình chứa hoặc hồ chứa sẽ mất 4-6 tháng mới đảm bảo yêu cầu. Song hiện nay, nhờ sự hướng dẫn của chuyên gia bên cung cấp máy chế biến, anh đang áp dụng sản xuất thủyphân kết hợp gia nhiệt giúp rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, giun quế được nuôi tại gia trại được xay nhuyễn pha với tỷ lệ nước nhất định rồi cho vào máy thủy phân. Máy này giúp giữ nhiệt độ dung dịch ổn định 70 độ C liên tục trong 4 ngày là có thể cho ra thành phẩm phân đạm giun quế bón cho cây trồng thông qua việc pha với nước theo tỷ lệ thích hợp và phục trực tiếp lên lá.
Hiện nay, sản phẩm phân bón lá từ giun quế của anh Võ Thế Dũng đang được anh sử dụng cho các đồi chè và ruộng nương của gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ dân trồng chè, trồng rau, củ, quả ở xã Hùng Sơn cũng đã đặt hàng mua và sử dụng. 1 lít phân bón lá có thể pha với lượng nước để phun bổ sung dưỡng chất cho khoảng 1 ha cây trồng.

Chủ tịch Hội Nông dânxã Hùng Sơn cho biết, việc sản xuất phân bón lá cũng được anh Dũng chia sẻ, hướng dẫn cho các hộ dân có nhu cầu tự sản xuất nhằm ủng hộ chủ trương sản xuất xanh mà UBND xã đang tuyên truyền, vận động.
Ở xã Hùng Sơn, ngoài anh Võ Thế Dũng còn có một số hộ khác cũng bắt đầu thực hiện ủ phân bón lá hữu cơ từ giun quế và từ cá như hộ bà Trần Thị Lý. Bà Lý cho biết, gia đình hiện đang canh tác khoảng 4,5 ha chè theo hướng hữu cơ, vì vậy, việc sử dụng phân bón sinh học vô cùng quan trọng.

Ngoài mua sản phẩm đạm cá thì hiện nay hộ bà Lý cũng đang thực hiện ủ phân bón lá từ giun quế. Nguyên liệu giun quế được mua từ các mô hình nuôi tại địa phương như tại gia trại anh Võ Thế Dũng. Dù ủ đạm bón lá theo cách thông thường mất thời gian lâu hơn so với cách ủ thủy phân kết hợp gia nhiệt, song sẽ là hướng đi mà hộ bà Lý lựa chọn để tăng năng suất, hiệu quả cho cây trồng.
Phân bón lá hữu cơ ủ từ cá, giun quế giúp tăng cường đề kháng cho cây, cải tạo đất. Lưu huỳnh trong phân bón này có tác dụng giảm tác hại của các loại sâu bệnh như ấu trùng, trứng tuyến trùng và giúp cây hồi phục do ngộ độc phân hóa học. Phân bón này còn cung cấp một lượng lớn vi sinh vật cho đất, giúp đất tơi xốp hơn, cải thiện cấu trúc đất. Đặc biệt là rất an toàn với người sử dụng và môi trường. Phân bón này không chứa các chất độc hại hay gây ô nhiễm cho nguồn nước và khi sử dụng phân bón này không cần thời gian cách ly hay chờ đợi để thu hoạch. Đồng thời giúp tiết kiệm chi phí canh tác.
Nguồn: https://baonghean.vn/nong-dan-nghe-an-san-xuat-phan-bon-la-tu-giun-que-10295102.html
Bình luận (0)