Gần 20 năm trước, Phạm Hùng mở một xưởng riêng tại Hiệp Bình Chánh (TP.HCM) để vẽ tranh và làm tụ điểm sản xuất cũng như tìm kiếm đạo cụ cho các bối cảnh trong phim. Nhìn qua, nơi đây như một xưởng "tả pí lù", vì nó có lúc như một xưởng mộc, khi những người thợ cởi trần giữa trưa để cưa cưa đục đục bàn, ghế, tủ; có lúc lại như một xưởng vẽ với đủ thứ toan, màu, giá vẽ ngổn ngang; khi thì trở thành một không gian kỹ nghệ với những món đồ tỉ mẩn, trau chuốt. Nhưng cuối cùng tôi cũng dần hình dung được công việc của Hùng khi đó. Thì ra anh tạo đạo cụ cho các bối cảnh riêng biệt của những bộ phim truyền hình mà anh làm họa sĩ thiết kế.
Họa sĩ Phạm Hùng trong một lần đi chọn cảnh
Ảnh: Họa sĩ Phạm Hùng cung cấp
Năm 2011 đối với Phạm Hùng là thời điểm anh bắt đầu vào nghề thực sự khi làm việc cùng với các đạo diễn Nguyễn Dương, Phương Điền, Dương Nam Quan… Nhiều năm sau đó, Phạm Hùng miệt mài làm việc trong những phim trường ở nhiều nơi khác nhau để thiết kế bối cảnh phim. Hàng loạt bộ phim truyền hình có tên Phạm Hùng ở khâu họa sĩ thiết kế như Giấc mơ tình yêu, Sương khói đồng hoang, Em ước cùng bay, Cô Thắm về làng, Cầu vồng xanh…
Từ truyền hình sang điện ảnh
Không chỉ thử sức ở phim truyền hình, Phạm Hùng bước sang vai trò họa sĩ thiết kế của phim điện ảnh. Anh làm việc cùng nhiều đạo diễn như Bảo Nhân, Nam Cito, Trần Bửu Lộc, Nguyễn Huỳnh… Những bộ phim điện ảnh như Quý cô thừa kế, Hạnh phúc của mẹ, Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả, Cô gái từ quá khứ, Cha tôi là dân chơi, Lộc phát, Về quê ăn tết, Quỷ nhập tràng… dường như đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh, khiến anh bật ra những ý tưởng thiết kế độc đáo, mới lạ và giúp những cảnh trong phim trở nên sống động hơn hẳn.
Bối cảnh của bộ phim Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả
Ảnh: Họa sĩ Phạm Hùng cung cấp
Năm 2021, tại Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Huế, Phạm Hùng đoạt giải họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc cho bộ phim Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả. Phạm Hùng cho biết đây là bộ phim khiến anh gặp nhiều trở ngại cũng như thử thách khi hai bối cảnh lớn của phim phải thi công trong quần thể di tích đặc biệt ở Huế, không thể can thiệp đinh búa, cuốc xẻng. Công việc lúc đó đòi hỏi anh cùng cộng sự phải tính toán từng chi tiết nhỏ, cũng như sản xuất những món đạo cụ thật chính xác để lắp đặt, không được phép sai số vì gần như các món đồ trong cung đều xếp vào hàng bảo vật quốc gia, nên việc di dời đồ ra và đưa đồ của đoàn phim vào thiết lập bối cảnh là vấn đề lớn. Sau tất cả, bối cảnh mà tổ thiết kế tạo ra tại đây đã góp phần làm nên không khí thực sự xa hoa, vương giả cho bộ phim. Bộ phim cũng đã giành Giải thưởng của Ban giám khảo tại liên hoan phim.
Bối cảnh trong bộ phim Quỷ nhập tràng
Ảnh: Họa sĩ Phạm Hùng cung cấp
Mới đây, bộ phim kinh dị ăn khách Quỷ nhập tràng cũng khiến cho Phạm Hùng gặp những tình huống khó khăn nhớ đời. Anh kể, phim chủ yếu quay về đêm. Những đại cảnh như đưa tang giữa rừng đêm, làm mưa, trời âm u rét mướt ở Bảo Lộc đều tạo cảm hứng chinh phục khó khăn trong anh.
Nghe Phạm Hùng kể chuyện nghề mới hình dung được sự nhẫn nại, tỉ mỉ của người họa sĩ thiết kế trong từng bộ phim khác nhau. Bởi mỗi phim lại đòi hỏi một sự đầu tư khác, lối tư duy khác, không phim nào giống phim nào. Sự sáng tạo âm thầm ấy là nền móng đưa biết bao hình ảnh sống động, giàu sắc màu điện ảnh lên màn hình. Phía sau hào quang chính là mồ hôi của bao người.
Họa sĩ Phạm Hùng (trái) trên phim trường
Ảnh: Họa sĩ Phạm Hùng cung cấp
Và rồi, như một cái nghiệp, người đàn ông ấy vẫn miệt mài lang bạt kỳ hồ, từ rừng núi xa tới thị thành, từ nam ra bắc, để tìm được các khung cảnh ưng ý cho phim, mà như anh nói "càng khó lại càng thích làm".
Nguồn: https://thanhnien.vn/pham-hung-lang-bat-ky-ho-cung-phim-anh-185250503204457976.htm
Bình luận (0)