Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng: Phát triển lâm nghiệp bền vững

Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, Chi cục Kiểm lâm cùng các đơn vị triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ và phục hồi rừng bền vững. Năm 2025, lực lượng kiểm lâm thành phố xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, nâng cao năng suất, chất lượng rừng và ứng dụng công nghệ trong giám sát tài nguyên rừng, góp phần phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng17/04/2025

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan chú trọng. Trong ảnh: Thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại quận Liên Chiểu. Ảnh: VĂN HOÀNG
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan chú trọng. TRONG ẢNH: Thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại quận Liên Chiểu. Ảnh: VĂN HOÀNG

Chủ động, quyết liệt trong bảo vệ rừng

Thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích rừng và diện tích đã trồng cây rừng gần 62.546ha, trong đó, diện tích rừng hơn 57.731ha. Với nỗ lực của toàn ngành, năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn thành phố tương ứng 44,67% (cao hơn toàn quốc là 42,02%). Theo Chi cục Kiểm lâm, so với các địa phương khác, Đà Nẵng có diện tích rừng tự nhiên ít. Song tài nguyên rừng của thành phố có trữ lượng rừng cao, chủng loại gỗ quý nhiều nên áp lực trong công tác bảo vệ rừng rất lớn. Thành phố là cửa ngõ quan trọng của miền Trung với điều kiện giao thông thuận lợi, hầu hết các vị trí tiếp giáp với rừng đều có đường giao thông.

Đây cũng là điều kiện để các đối tượng lợi dụng xâm nhập vào rừng để khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng luôn được ngành lâm nghiệp cùng các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ.

Trong công tác PCCCR, năm 2024, lực lượng kiểm lâm thực hiện thông báo 21 bản tin dự báo cháy rừng từ cấp III-IV. Kiểm lâm địa bàn đã tham mưu UBND các phường, xã thành lập 19 tổ xung kích với thành viên là công chức, viên chức làm việc tại UBND cấp phường, xã và dân quân thường trực; 79 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, khu dân cư gần rừng, ven rừng với gần 1.400 người tham gia.

Chi cục thành lập đội phản ứng nhanh trong chữa cháy rừng với quân số 30 người chủ yếu là người dân sống gần khu vực rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ phát lửa xảy ra trên địa bàn thành phố trong 6 tháng mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Trong năm, toàn thành phố xảy ra 9 vụ phát lửa, song không gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cho biết, việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chuyên dụng luôn được đơn vị duy trì nghiêm túc. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp lực lượng kiểm lâm chủ động, sẵn sàng ứng phó nhanh với các tình huống cháy rừng nếu xảy ra.

Song song đó, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cũng phối hợp chặt chẽ các địa phương có rừng để kiểm tra thực địa, rà soát lại hiện trạng rừng, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, từ đó xây dựng phương án phòng ngừa sát với thực tế địa bàn để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng hay hành vi xâm hại tài nguyên rừng gây ra.

Hiện Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đang phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương có rừng xen kẽ khu dân cư như phường Hòa An và Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) để tăng cường năng lực ứng phó, xử lý tình huống cháy rừng tại chỗ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả PCCCR, lan tỏa ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng.

Bên cạnh công tác PCCCR, công tác tiếp nhận, cứu hộ động vật rừng, hoang dã trên địa bàn thành phố cũng có nhiều điểm sáng. Năm 2024, 255 cá thể được các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho lực lượng kiểm lâm. Trong đó, 125 cá thể được xác lập quyền sở hữu toàn dân và phê duyệt phương án xử lý theo quy định; 100 cá thể là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu cũng được xử lý đúng quy trình pháp luật hiện hành.

Tại huyện Hòa Vang, ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho biết, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã. Những năm qua, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ kết quả này, Hạt đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã, trong đó nổi bật là 100 cá thể rùa do một ngôi chùa địa phương giao nộp, cùng một số loài quý hiếm như khỉ, trăn gấm… được cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để nâng cao hơn nữa ý thức cộng đồng. Khi phát hiện các loài động vật hoang dã, người dân cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời cứu hộ, tái thả một cách an toàn”, ông Thám chia sẻ.

Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm

Theo Chi cục Kiểm lâm, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Năm 2025, toàn ngành tiếp tục tập trung bảo vệ, phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng khoảng từ 45-47%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 100% diện tích rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và phát huy có hiệu quả các chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng. Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quản lý 3 loại rừng thành phố Đà Nẵng lên Hệ thống Thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS)...

Đối với công tác phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, toàn ngành sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục vận động trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn theo tinh thần Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố và xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, các khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ tại các vùng kinh tế trọng điểm; thực hiện các chương trình, dự án lâm sinh để làm giàu, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.

Đặc biệt, nỗ lực thực hiện kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu đến hết năm 2025, toàn thành phố trồng được hơn 5 triệu cây xanh tập trung và phân tán các loại. Ngoài ra, tập trung các giải pháp để quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng.

Ông Quách Hữu Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, chi cục sẽ chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương cùng các địa phương liên quan tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lâm nghiệp. Song song với đó, hoàn thành cắm mốc ranh giới rừng theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố, xác định rõ lâm phận ổn định làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức quản lý rừng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác và xử lý kiên quyết các vi phạm về đất đai và việc mua bán đất lâm nghiệp trái phép, kể cả đối với đất đã được giao; rà soát phương án PCCCR các cấp, đặc biệt là công tác chỉ huy chữa cháy, huy động lực lượng tham gia chữa cháy, công tác phối hợp giữa các lực lượng chữa cháy khi xảy ra cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”.

VĂN HOÀNG

Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202504/quan-ly-bao-ve-phat-trien-rung-va-phong-chay-chua-chay-rung-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-4004663/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm