Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quân sự thế giới hôm nay (23-4): Nga thử nghiệm hệ thống nhận...

Quân sự thế giới hôm nay (23-4) có những nội dung sau: Nga thử nghiệm hệ thống nhận dạng UAV “địch-ta”, nhiều nước châu Âu mua chung mìn chống tăng DM22, Cộng hòa Séc chọn hệ thống nhận thức tình huống của Israel.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông23/04/2025

* Nga thử nghiệm hệ thống nhận dạng UAV “địch-ta”

Bulgarian Military đưa tin, tập đoàn Rostec của Nga công bố thử nghiệm một hệ thống nhận dạng UAV mới với trọng lượng siêu nhẹ chỉ 90g.

Hệ thống này, được thiết kế để phân biệt UAV “có thân thiện hay không” (“địch-ta”) , được kỳ vọng có thể định hình lại cách thức hoạt động của UAV trong hoạt động quân sự và dân sự. Khái niệm này dựa trên một bộ đáp ứng phản hồi tín hiệu radar được mã hóa, xác nhận danh tính của máy bay.

Binh sĩ Nga vận hành UAV. Ảnh: War on the Rocks 

Bulgarian Military đánh giá, việc Nga áp dụng công nghệ trên nhằm giải quyết một thách thức hiện đại là sự gia tăng của các phương tiện bay không người lái với kích thước nhỏ hơn, số lượng nhiều hơn và tính chất khó theo dõi hơn so với máy bay truyền thống. Đặc biệt, công nghệ này rất có ích trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, nơi UAV đóng vai trò trung tâm.

Thông báo của Rostec cho biết, thiết bị này được thiết kế để gắn trên một UAV. Nó giao tiếp với các trạm mặt đất bằng các giao thức nhận dạng độc quyền của hàng không quân sự Nga để phân biệt mục tiêu “địch-ta”. Nó có khả năng phân tích UAV đang bay ở độ cao lên đến 5km và khoảng cách 100km, qua đó đánh dấu bước tiến đáng kể trong nỗ lực của Moscow nhằm bảo vệ không phận của mình trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào UAV.

Rostec nhấn mạnh, trọng lượng nhẹ và mức tiêu thụ điện năng tối thiểu của thiết bị giúp nó trở nên linh hoạt và phù hợp với nhiều loại UAV trong biên chế. Tập đoàn có kế hoạch tiến hành sản xuất một lô thiết bị đầu tiên vào cuối năm nay.

* Nhiều nước châu Âu mua chung mìn chống tăng DM22

Army Recognition cho hay, Đức, Latvia và Na Uy đã ký một thỏa thuận đa phương về việc mua chung các loại mìn chống tăng DM22. Sáng kiến này phản ánh nỗ lực ngày càng tăng của châu Âu nhằm củng cố hoạt động mua sắm quốc phòng, phù hợp với định hướng của cả NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận ba bên này cho phép các quốc gia tham gia tiếp cận mìn chống tăng DM22 thông qua hợp đồng khung của Đức, tránh phải đàm phán riêng với nhà sản xuất. Cách tiếp cận đó do Đức khởi xướng vào năm 2023, khi Berlin trao cho công ty KNDS Deutschland của nước này hợp đồng khung cho việc sản xuất tùy chọn ít nhất 123 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A8 - một cơ chế mang lại lợi ích trực tiếp cho cả Hà Lan, Cộng hòa Séc và Litva.

Một đơn vị của quân đội Đức huấn luyện với mìn chống tăng DM22. Ảnh: The Armourers Bench

Đáng chú ý, việc sản xuất mìn chống tăng DM22 được Đức quyết định khởi động lại vào cuối năm 2023 sau hơn hai thập kỷ gián đoạn, để bổ sung cho kho dự trữ sau khi Berlin viện trợ một số lượng đáng kể cho Ukraine.

DM22 hoạt động như một súng phóng lựu chống tăng, gắn hệ thống cảm biến hồng ngoại chủ động (SAPIR). Quả mìn được kích hoạt khi cáp quang đứt, khối thuốc nổ sẽ tạo luồng xuyên lõm đi xa 40m, nhắm vào thành xe để xuyên thủng lớp giáp dày vài chục cm.

* Cộng hòa Séc chọn hệ thống nhận thức tình huống của Israel

Theo The Defense Post, công ty công nghệ Retia của Cộng hòa Séc đã lựa chọn hệ thống nhận thức tình huống EdgeSA của hãng Axon Vision (Israel) cho xe bọc thép chở quân Pandur.

Việc lựa chọn này diễn ra sau một quá trình đánh giá toàn diện và là một phần trong sự hợp tác rộng hơn giữa hai bên nhằm tích hợp các hệ thống điện tử hiện đại vào nhiều loại xe bọc thép khác của châu Âu.

Xe bọc thép chở quân Pandur. Ảnh: Frag Out! Magazine 

Hệ thống EdgeSA sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), có thể cảnh báo sớm về các mối đe dọa trên chiến trường cho kíp lái xe, giúp nâng cao khả năng nhận thức theo thời gian thực. Nó kết hợp dữ liệu từ nhiều cảm biến để tự động phát hiện mục tiêu và tối ưu hóa việc ra quyết định. Hệ thống này có thiết kế module nên có khả năng tích hợp liền mạch với các khí tài quân sự thế hệ cũ và thế hệ tiếp theo.

Pandur là dòng xe bọc thép chở quân có nguyên gốc do hãng Steyr-Daimler-Puch của Áo nghiên cứu và phát triển, hiện đang được nhiều công ty thuộc Áo, Cộng hòa Séc và Tây Ban Nha cùng sản xuất. Xe có trọng lượng rỗng 22 tấn, dài 7,4m, rộng 2,7m và cao 2,1m, dự trữ hành trình 700km, có thể được chuyên chở bởi máy bay vận tải C-130. Xe có kíp lái 2 người và chở tối đa 12 binh sĩ với đầy đủ trang bị. Nếu trang bị tháp pháo, xe chỉ chở được 6 binh sĩ. Thân xe được làm bằng thép hàn với giáp tiêu chuẩn có thể chống đạn xuyên giáp cỡ từ 7,62mm đến 14,5mm.

MINH ANH(tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn: https://baodaknong.vn/quan-su-the-gioi-hom-nay-23-4-nga-thu-nghiem-he-thong-nhan-dang-uav-dich-ta-250280.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm