Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Sao Vàng” trên đất anh hùng

Việt NamViệt Nam30/04/2025


Khai sinh trên “đất mẹ” Bình Ðịnh trong những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, Sư đoàn 3 Sao Vàng (nay là Sư đoàn 3, thuộc Quân khu 1) đã để lại những chiến công hiển hách.

Cách đây 60 năm, vào ngày 2.9.1965, tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa (nay là xã Bok Tới, huyện Hoài Ân), Sư đoàn 3 đã chính thức thành lập. Đây là Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 5. Khẩu hiệu hành động của Sư đoàn là “Trung thành, anh dũng, ra trận là chiến thắng, gặp địch là tiêu diệt, quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngay sau ngày thành lập, Đảng ủy Sư đoàn đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho Sư đoàn được mang tên “Sư đoàn Sao Vàng”; lấy hình ảnh “Sao Vàng” để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hãy dũng cảm chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc.

Di tích lịch sử Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ảnh: H.P

Những chiến công chói lọi

Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn bước ngay vào nhiệm vụ chiến đấu. Trận đụng đầu lịch sử đầu tiên với đối thủ mạnh nhất là Sư đoàn không vận số 1 của quân đội Mỹ tại thung lũng Thuận Ninh (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) vào ngày 18.9.1965. Sư đoàn đã tiêu diệt 200 tên, bắn rơi và phá hủy 51 máy bay, giáng một đòn cảnh cáo nghiêm khắc với quân Mỹ xâm lược khi chúng vừa đặt chân đến chiến trường Khu 5.

Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Sư đoàn nhận nhiệm vụ cắt đường 19 góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời tiến công đập tan tuyến phòng thủ chiến lược Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn đảm nhiệm một hướng của Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), với khí thế “Thần tốc, táo bạo” Sư đoàn đã tiến công giải phóng tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) và TP Vũng Tàu (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước, tháng 6.1976, Sư đoàn được lệnh cấp tốc hành quân vượt cả nghìn cây số ra bảo vệ biên giới phía Bắc, sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn mới. Từ ngày 17.2.1979 đến tháng 1.1986, Sư đoàn đã cùng đơn vị bạn và quân dân các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang đánh bại hơn 12 vạn quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã tham gia đánh trên 5.600 trận, tiêu diệt và làm tan rã hơn 15 vạn tên địch, bắn cháy và phá hủy hàng trăm máy bay, hàng nghìn xe quân sự và phương tiện chiến tranh của địch. Với những chiến công đó, 20 tập thể và 17 cá nhân thuộc Sư đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng, Sư đoàn cũng có hơn 22.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó trên 18.000 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Bình Ðịnh và trên 10.000 đồng chí đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường.

Nghĩa tình son sắt

10 năm gắn bó với vùng quê Bình Định, những cái tên: Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn đã gói trọn nghĩa tình giữa đơn vị và người dân trên vùng đất lửa, để rồi sau này, khi nhận nhiệm vụ đứng chân trên vùng Đông Bắc Tổ quốc, Bình Định vẫn là địa chỉ quen thuộc trong những chuyến “về nguồn” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.

Sư đoàn 3 tổ chức về nguồn và thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Đào (thường gọi là má Nhương, ở TX Hoài Nhơn) người đã cưu mang, chữa thương cho chiến sĩ đơn vị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Cuối tháng 3 vừa qua, Sư đoàn đã tổ chức đoàn công tác hành quân về nguồn, tri ân tại tỉnh. Đoàn đã về thăm các địa chỉ đỏ gắn liền với truyền thống Sư đoàn như: Di tích lịch sử Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn, Khu di tích lịch sử Núi Chéo, đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân); Mộ tập thể chiến sĩ Tiểu đoàn 6 (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn)... Ngoài ra, Sư đoàn 3 cũng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tặng 50 suất quà (1 triệu đồng/suất) và trao tiền hỗ trợ xây dựng 5 nhà chính sách cho 5 gia đình người có công, CCB Sư đoàn 3 có hoàn cảnh khó khăn (80 triệu đồng/nhà)...

Đại tá Hứa Chiến Thắng, Chính ủy Sư đoàn 3 khẳng định: “Bình Ðịnh là chiếc nôi ra đời, là nơi chi viện sức người, sức của, nuôi dưỡng cho Sư đoàn từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Giữa Sư đoàn 3 và quân dân Bình Ðịnh có mối quan hệ thiêng liêng, máu thịt”.

50 mùa xuân từ ngày non sông được thống nhất, đất nước độc lập, tự do, hình hài xương thịt các liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng năm xưa đã hòa quyện vào đất mẹ Bình Định, vào cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (trái) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (phải) đưa hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh năm 1975 trong trận đánh tại Cao điểm 174 về nơi an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân). Ảnh: H.P   

Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nói chung cũng như cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh trên đất Bình Định và đã có kết quả tích cực. Nổi bật là tỉnh đã tìm kiếm, quy tập và tổ chức truy điệu, an táng trang trọng các liệt sĩ của Sư đoàn hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn và ở

Cao điểm 174 tại huyện Hoài Ân.

Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Định, cho rằng: “Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, không chỉ là sự tri ân mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Theo đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, phát huy truyền thống vẻ vang của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng, những năm qua, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sư đoàn cũng thường xuyên tổ chức các chuyến về nguồn - nơi thành lập Sư đoàn nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống vẻ vang của Sư đoàn trong quá trình hình thành, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.

XUÂN NHÂM



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355193

Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm