Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh làm gì với môn không học suốt 3 năm THPT?

Năm nay, lần đầu tiên cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có nhiều điểm mới để phù hợp với học sinh chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, thí sinh lần đầu tiên làm bài thi có những môn mình không học trong suốt 3 năm THPT.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên30/03/2025

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh làm gì với môn không học suốt 3 năm THPT? - Ảnh 1.

Thí sinh bước ra khỏi điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) sau giờ làm bài

ẢNH: HÀ ÁNH

"Đề thi đánh giá năng lực rất dài, 1 xấp dày"

Năm 2025, lần đầu tiên cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy.

Theo đó, bài thi giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.

Với cấu trúc bài thi này, dù thay đổi cấu trúc nhưng bài thi vẫn hỏi kiến thức của tất cả các môn học như bài thi trước đây. Học sinh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm nay sẽ phải trả lời cả những câu hỏi của những môn không học suốt trong 3 năm THPT. Vậy, các thí sinh đã xử lý phần kiến thức này như thế nào của bài thi?

Là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) sau giờ làm bài sáng nay, Vũ Hoàng Trường (Trường THPT Thăng Long, TP.HCM), cho biết đề thi không dễ lấy điểm. Thí sinh này chỉ chắc chắn làm tốt được khoảng 40% bài thi. Với dự định thi để xét tuyển vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của ĐH Kinh tế TP.HCM, thí sinh này có thể cần dự thi đợt 2.

Nhận định về đề thi, Duy Khang (học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay: "Đề thi dài lắm, 1 xấp dày khoảng 16-17 trang. Đề không khó lắm nhưng thí sinh rất tốn thời gian để xử lý kịp giờ". Nói thêm về từng phần trong đề thi, học sinh này cho biết phần tiếng Anh và tiếng Việt không khó lắm, phần toán thì khá mất thời gian nhưng cũng không quá khó. Phần lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật thì đọc đề có thể làm được bài. "Bản thân em không học môn lịch sử và địa lý trong suốt 3 năm THPT nhưng từ ngữ liệu trong đề thi, em có thể làm chắc 2/3 số câu hỏi của phần này". Với việc xử lý tốt bài thi, thí sinh này tự tin đạt khoảng 800 điểm.

Tương tự, Đức Huyên (học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng vấn đề chính là đề quá dài. Là học sinh không học hóa bậc THPT, Huyên cho biết vẫn có thể giải quyết một phần các câu hỏi trong về lĩnh vực này, trừ câu hỏi khó nhất liên quan đến phần tính toán. "Thông tin được nêu trong đề, nếu là học sinh có học hóa thì không cần đọc phần giới thiệu đề cũng có thể làm được. Nhưng với học sinh không học môn này, từ định nghĩa và công thức cho sẵn, cũng xử lý được vấn đề nhưng trong thời gian lâu hơn", thí sinh này giải thích thêm.

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh làm gì với môn không học suốt 3 năm THPT? - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 sáng nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kết quả thi đợt 1 được công bố vào ngày 16.4

Sáng nay (30.3), đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại 25 địa phương trải dài từ miền Trung đến Tây Nam bộ với 55 cụm thi và 118 điểm thi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm nay có 126.338 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,42%. Năm 2025, kết quả của kỳ thi này sẽ được hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển sinh".

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cũng lưu ý, kết quả thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được công bố vào ngày 16.4. Từ ngày 17.4-7.5, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký thi đợt 2. Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho cả 2 đợt thi sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM thông báo sau.

"Tương tự mọi năm, thí sinh có thể tham gia thi cả 2 đợt. Kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển", tiến sĩ Chính nói thêm.

Đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được tổ chức vào sáng ngày 1.6 tại 11 tỉnh/thành phố: Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang và An Giang.

Nguồn: https://thanhnien.vn/thi-danh-gia-nang-luc-thi-sinh-lam-gi-voi-mon-khong-hoc-suot-3-nam-thpt-185250330122036737.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm