Từ lâu, công tác cán bộ được khẳng định là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy ở không ít nơi, không ít thời điểm, việc bố trí, sắp xếp cán bộ vẫn bị chi phối bởi những tư duy cũ: “an toàn”, “cơ cấu”, “ưu tiên vùng miền” hay “quyền lợi tập thể”. Những yếu tố ấy tuy "nhân danh" sự cân bằng, hài hòa, nhưng lại làm chậm sự vận hành của bộ máy, suy giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi căn bản. Hội nhập quốc tế trong tình hình mới và những mục tiêu phát triển lớn lao của đất nước đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, phải “thực giỏi”, “thực tài”. Cùng với đó, cả nước đang tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, kéo theo số lượng đầu mối giảm, số lượng vị trí lãnh đạo cũng ít hơn. Điều này khiến việc lựa chọn, bố trí nhân sự trở thành vấn đề nhạy cảm, đụng chạm trực tiếp đến con người, đến quan hệ, tâm tư và quyền lợi của nhiều bên.
Trong hoàn cảnh ấy, đặt “yêu cầu công việc” lên đầu, lựa chọn cán bộ vì việc, chứ không phải vì quan hệ, cảm tình hay cơ cấu, là rất quan trọng và cấp thiết. Theo đó, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất đặc thù và yêu cầu thực tiễn của từng vị trí công việc để lựa chọn những người thật sự đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và phù hợp nhất. Đây là cách tiếp cận khách quan, khoa học, vượt lên trên những toan tính cục bộ hay thỏa hiệp kiểu “bình quân”, “dàn đều” hay “ưu tiên theo cơ cấu”.
“Tiêu chuẩn cao nhất” ở đây không chỉ là bằng cấp, chức danh hay số năm công tác, mà là sự phù hợp thực chất với yêu cầu công việc trong điều kiện mới. Thời kỳ chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng, những vấn đề về quản trị hiện đại, điều hành phức tạp và sức ép đổi mới, đột phá… đòi hỏi người cán bộ không chỉ giỏi lý luận mà còn vững vàng bản lĩnh, nhạy bén thực tiễn và dám chịu trách nhiệm. Nếu không chọn được người đáp ứng được các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại thì đất nước khó phát triển nhanh, bền vững và niềm tin của người dân cũng bị bào mòn.
Tuy đây là yêu cầu rất trúng nhưng để thực hiện không hề dễ dàng. “Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập” - yêu cầu này của Tổng Bí thư Tô Lâm là sự nhắc nhở nghiêm túc đối với các cấp ủy, nhất là Ban Thường vụ cấp tỉnh, những nơi trực tiếp chịu sức ép trong việc sắp xếp, phân công nhân sự. Sự bàn bạc ấy phải thật sự vì công việc, vì lợi ích chung của tổ chức và đất nước, chứ không thể là sự thỏa hiệp, dàn xếp hay "chia đều" cho yên chuyện. Bản lĩnh chính trị và phẩm chất của cấp ủy, tổ chức đảng lúc này chính là dám vượt qua những ràng buộc, tập quán cũ, dám chọn người xứng đáng, dám loại bỏ những trường hợp không đáp ứng yêu cầu - dù người đó là ai, đến từ đâu.
Thời gian tới, các cơ quan Trung ương sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, dù hệ thống tiêu chí có điều chỉnh, bổ sung thế nào thì tinh thần “lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc” vẫn phải là nguyên tắc bất biến, là nền tảng cho việc rà soát, lựa chọn, sắp xếp cán bộ các cấp. Đây cũng là căn cứ quan trọng để tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ một cách khách quan, toàn diện, minh bạch, phòng ngừa tình trạng chạy chức, chạy quyền, hạn chế những dư luận không tốt trong nội bộ và xã hội.
Không chỉ là một định hướng xuyên suốt cho công tác cán bộ, “lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc” còn là thông điệp gửi tới toàn thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay - rằng thời kỳ “tạm được”, “bình quân chủ nghĩa” trong nhân sự đã chấm dứt. Ai đứng ở đâu, giữ vai trò gì, phải thực sự xứng đáng, thực sự vì công việc và vì người dân. Khi công tác cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng tinh thần ấy, bộ máy không chỉ tinh gọn mà còn mạnh lên, thực sự hiệu quả và đây chính là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/vi-cong-viec-ma-chon-nguoi-post410115.html
Bình luận (0)