Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Áp dụng khoa học công nghệ để tránh sự phiền hà, lãng phí

NGUYỄN TRI THỨC

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/04/2025

Ngày 1-4, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghe báo cáo cập nhật kiến thức và cho ý kiến hoàn thiện chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tổng Bí thư cho biết, đây là hoạt động thể hiện quyết tâm cao nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Công nhân vận hành máy sản xuất tại Công ty ICT Vina, Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng.  Ảnh minh họa: TTXVN
Công nhân vận hành máy sản xuất tại Công ty ICT Vina, Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Tổng Bí thư, để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công nghị quyết, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đã đi đầu trong việc cập nhật kiến thức về lĩnh vực mới, khó và không ngừng thay đổi này. Khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân”, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan thời gian tới phải triển khai mạnh mẽ để đạt được hai mục tiêu cao nhất là quản trị xã hội tốt hơn và ứng dụng vào sản xuất, tăng năng suất lao động.

Trước đó, chiều 20-1, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp phiên thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tổng Bí thư nhấn mạnh cần quán triệt quan điểm có tính nguyên tắc là triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, nhấn vào nội dung cốt lõi trong Nghị quyết 57-NQ/TW, chú trọng tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học, công nghệ. Tổng Bí thư lưu ý triển khai các công việc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương; mỗi nhiệm vụ phải được phân công cụ thể, có chỉ số đo lường và tiến độ rõ ràng.

Ngày 7-3, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chính phủ cũng sẽ dành nhiều nguồn khác để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW như phát hành trái phiếu, điều chuyển nguồn vốn từ nơi này sang nơi khác...

Có thể khẳng định rằng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57-NQ/TW là rất rõ ràng, đồng bộ, với tiến độ rất cụ thể về thời gian, công việc, nguồn lực. Đó là điều dễ hiểu, bởi trong bối cảnh chuyển đổi số rất mạnh mẽ trên toàn thế giới hiện nay, muốn phát triển thì không thể không mạnh dạn, sáng tạo, dấn thân, tham gia vào cuộc chơi toàn cầu với sự đua tranh quyết liệt này.

Rất nhiều việc liên quan đến Nghị quyết 57-NQ/TW đã được triển khai thực hiện, đặc biệt là Quốc hội ban hành Nghị quyết 193/2025/QH1 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau khi Nghị quyết 193/2025/QH1 ra đời, với nhiều nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt, những bước đi đầu thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn đã có kết quả tích cực, việc chuyển đổi số trong các cơ quan bước đầu có những chuyển biến tích cực...

Ngày 18-3, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng và ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược.

Chương trình này tập trung vào hệ thống trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cho công nghệ chiến lược, đồng thời xây dựng Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược... Việt Nam sẽ triển khai Chính phủ không giấy tờ và chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử dựa vào dữ liệu...

Các cơ quan cần đẩy mạnh cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo không ách tắc công việc, chuyển dịch vụ công từ “xin” sang chủ động cung cấp cho người dân. Trong năm nay, công nghệ sinh trắc và nền tảng VNeID sẽ bắt buộc ứng dụng tại tất cả sân bay, bến cảng, cửa khẩu...

Đây là những thông tin người dân hết sức quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp đến lợi ích, sự tiện ích của người dân. Việc được chủ động cung cấp, qua môi trường điện tử, trên không gian số quả là điều lý tưởng, hết sức tiện lợi, tiết kiệm chi phí, không phát sinh những sự sách nhiễu, hành dân, tiêu cực...

Việc công nghệ sinh trắc và nền tảng VNeID khi ứng dụng tại các sân bay, bến cảng, cửa khẩu... sẽ rất tiện lợi cho người dân thực hiện các thủ tục bắt buộc. Năm 2024, khi sang Singapore công tác, tôi rất ngỡ ngàng khi tiến hành làm thủ tục nhập cảnh hoàn toàn tự động một cách hết sức thuận tiện, với những hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu từ máy móc, trong việc nhận diện khuôn mặt cũng như kiểm tra thông tin...

Cũng mới đây, ngày 20-3, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã áp dụng hệ thống kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động (Autogate), giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh của hành khách; nâng cao tính an toàn, bảo mật với hệ thống nhận diện sinh trắc học tiên tiến...

Đây rõ ràng là biểu hiện hết sức sinh động, thiết thực của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Điều này cũng cho thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp các nước tiên tiến, đi cùng thời đại, nếu có chiến lược, sách lược, giải pháp rõ ràng trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tất nhiên, không chỉ riêng trường hợp Autogate ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong rất nhiều lĩnh vực khác, chúng ta cũng có thể áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để giải quyết những tồn tại, vướng mắc, nút thắt bấy lâu nay. Áp dụng khoa học công nghệ để tránh sự phiền hà, lãng phí, những hạn chế, tiêu cực trong xã hội chắc chắn sẽ nhận được sự đón nhận tích cực của cán bộ, đảng viên, đông đảo người dân.

Điều này là rất khả thi, bởi Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã được ra mắt ngày 22-3, với sứ mệnh kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu. Khi dữ liệu thông tin được sử dụng kịp thời, đúng mục đích, lợi ích mà nó mang lại sẽ rất lớn, và nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, đó “là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân”.

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/ap-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-tranh-su-phien-ha-lang-phi-4003217/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm