Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Chuyện kể ở ngã ba Bốt Đỏ

Mặc dù địa điểm ngã ba Bốt Đỏ (giao điểm đầu đường 72 - đường 14B lịch sử) là một phần di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh qua H.A Lưới (TP.Huế) nhưng đến nay vẫn không một dấu tích nhận diện.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên04/05/2025

KÝ ỨC ĐẸP VỀ ĐÀI TƯỞNG NIỆM BỐT Đ

Gần 6 năm trước, tối 15.5.2019, Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là TP.Huế) tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh" tại H.A Lưới. Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Huế được xếp hạng có ngã ba đầu đường 72 - đường 14B và địa điểm Bốt Đỏ (thuộc các xã Phú Vinh, Hồng Thượng và Sơn Thủy). Là người dân vùng biên A Lưới, có lẽ không ai không biết đến Bốt Đỏ, bởi muốn về trung tâm TP.Huế phải đi qua ngã ba này.

Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Chuyện kể ở ngã ba Bốt Đỏ - Ảnh 1.

Ngã ba Bốt Đỏ là một phần của di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn

Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều tài liệu ghi chép, suốt 16 năm (1959-1975) bộ đội ta đã hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn trên dãy Trường Sơn. Tại H.A Lưới, tuyến đường 14B (nay là đường Hồ Chí Minh) là tuyến xương sống chạy dọc từ núi rừng Quảng Trị vào đến Quảng Nam. Trong đó, đường 72 là trục đường ngang dẫn về Huế, giao điểm 14B tại ngã ba Bốt Đỏ. Vị trí này cũng là Km 0 của đường 72. Đường 72 từng được người địa phương gọi tên là đường 12 (do có một đoạn đường 12 ở phía trung du) trước khi có tên chính thức QL 49 - tuyến huyết mạch nối trung tâm TP.Huế hôm nay.

Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Chuyện kể ở ngã ba Bốt Đỏ - Ảnh 2.

Tên ngã ba Bốt Đỏ gắn liền với khu chợ được xây dựng cạnh đó

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo lời kể của người dân địa phương, hơn 30 năm trước, ngay tại Bốt Đỏ có một đài tưởng niệm được thiết kế vút cao, bên trên có hình ngôi sao rất đẹp. Trên đài tưởng niệm có một tấm bia khắc rõ ý nghĩa của ngã ba đường trong lịch sử kháng chiến. Cạnh đó là một tấm bia chỉ dẫn. "Sau ngày đất nước thống nhất, cấp trên đã cho xây dựng đài tưởng niệm 4 mặt rất đẹp nhằm tưởng nhớ sự hy sinh của bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 trong công cuộc mở đường chi viện cho chiến trường. Thế rồi việc mở đường phát triển địa phương đã trục hạ đài tưởng niệm này. Tấm bia cạnh đó cũng không còn, để lại tiếc nuối trong lòng nhiều người…", ông Lê Phúc Tài (85 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch H.A Lưới giai đoạn 1976 - 1979, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Quảng Hợp, xã Sơn Thủy) kể.

BỐT ĐỎ LÀ ĐỒN BỐT ĐƯỢC SƠN ĐỎ ?

Nhiều người dân sinh sống gần ngã ba kể, ngày xưa tại khu vực Trường THCS Trần Hưng Đạo (thuộc xã Hồng Thượng) có một đại đội vũ trang của tỉnh đóng quân trong khoảng vài năm. "Dân địa phương hay gọi là đồn "bộ đội đỏ", liệu có phải từ cách gọi dân dã này mà người ta gọi ngã ba này là Bốt Đỏ?", một người dân nói.

Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Chuyện kể ở ngã ba Bốt Đỏ - Ảnh 3.

Ngày nay, ngã ba Bốt Đỏ đã được mở rộng nhưng vẫn chưa có biểu tượng di tích

Ảnh: Hoàng Sơn

Một số tài liệu cho biết, di tích ngã ba đường 72 - 14B nguyên là đường mòn có từ thời Pháp thuộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta chủ trương lợi dụng con đường sẵn có này để phát huy lực lượng, tấn công xuống Huế khi có điều kiện. Theo Bảo tàng Lịch sử TP.Huế, đêm 21.3.1975, Trung đoàn 217 đã cùng Trung đoàn 6 vượt qua tuyến phòng thủ của địch đánh chiếm 2 làng Định Môn và Kim Ngọc (ở tả ngạn sông Hương, đối diện quận lỵ Nam Hòa) làm bàn đạp trực tiếp uy hiếp khu tam giác Huế. Đến lúc này, đường 72 thông xe nối với đường 12 tiến vào Huế.

Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Chuyện kể ở ngã ba Bốt Đỏ - Ảnh 4.

Phương tiện di chuyển từ đường Hồ Chí Minh về TP.Huế qua QL 49 (đường 72 cũ)

Ảnh: Hoàng Sơn

"Ở cách ngã ba đầu đường 72 - đường 14B khoảng 300 m, trên một quả đồi thấp, địch đã xây dựng đồn bốt và đóng quân ở đây cùng với hệ thống đồn bốt và sân bay ở A Lưới vào những năm 1957 - 1959. Cuối năm 1960, ta đã giải phóng phần lớn miền núi Thừa Thiên và tiếp tục bao vây buộc địch rút khỏi các đồn bốt này (Bốt Đỏ) và đồn A Lưới vào năm 1964. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch lại đổ quân xuống Bốt Đỏ đánh phá hòng ngăn chặn tuyến đường 72 của ta nhưng quân dân ta đã đánh bật chúng khỏi đây, giữ vững địa bàn vận chuyển chiến lược và chiến dịch", theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử TP.Huế.

Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Chuyện kể ở ngã ba Bốt Đỏ - Ảnh 5.

Giao điểm của đường Hồ Chí Minh huyền thoại và QL 49 (đường 72) tại Bốt Đỏ

Ảnh: Hoàng Sơn

Từ thông tin này, có thể thấy ngã ba Bốt Đỏ nhiều khả năng được hình thành từ tên gọi khu đồn bốt có tên là Bốt Đỏ. Liệu khu đồn bốt này từng được sơn màu đỏ? Đó là câu hỏi rất cần được làm rõ để tăng giá trị cho di tích đặc biệt. (còn tiếp)

Điều khiến người dân và du khách băn khoăn là mặc dù ngã ba đường 72 - 14B và địa điểm Bốt Đỏ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đã 6 năm qua nhưng đến nay vẫn không hề có biểu tượng di tích. Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, theo quy hoạch, tại ngã ba này sẽ có một đảo giao thông khá lớn, trên đó sẽ có biểu tượng di tích cao tầm 10 m. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND H.A Lưới, cho biết huyện đã triển khai đo đạc, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích nhưng bị ách tắc tiến độ do vướng giải tỏa mặt bằng. Huyện phải tạm dừng dự án để nghiên cứu tháo gỡ.

Nguồn: https://thanhnien.vn/dia-danh-la-buoc-ra-tu-cuoc-chien-chuyen-ke-o-nga-ba-bot-do-185250503200110527.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm