
Đi tìm tài năng trên đất Quảng
Một sáng tháng Tư, sân Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) rộn tiếng trống chầu. Từ sau cánh gà, những diễn viên mặt nạ đỏ, trắng trong trang phục cổ, đầu đội mão, chân mang hia… bước lên sân khấu.
Trích đoạn “Trần Quốc Toản” về mẹ với ý nghĩa tôn vinh tinh thần yêu nước của người trẻ được truyền tải một cách thú vị. Trong khoảng 15 phút cuối buổi diễn, những diễn viên còn giới thiệu thêm các loại mặt nạ tiêu biểu trong nghệ thuật tuồng xứ Quảng. Những người làm chủ sân khấu hôm đó chỉ lớn hơn các em học sinh chừng 10-15 tuổi, là thế hệ diễn viên Gen Z nhiều triển vọng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Vừa tẩy trang sau buổi diễn, Lê Văn Tiện (26 tuổi, quê Tiên Lãnh, Tiên Phước) vừa kể, năm 2016, sau khi trúng tuyển, Tiện được ra Hà Nội theo học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
“Lúc đó em vừa nghỉ học, chỉ mới 17 tuổi và có chút năng khiếu xướng ca. Còn lại, em hoàn toàn không biết chút gì về tuồng. Càng học càng khó, đã có những ngày em trốn học, định bỏ ngang… Thế rồi, thầy cô tìm đến động viên, em lại tiếp tục lên giảng đường. Chỉ khi hiểu được giá trị của tuồng, em mới tìm thấy động lực” - Tiện chia sẻ.
Còn đối với một cô gái nhạy cảm như Trần Vũ Quỳnh (24 tuổi), tuồng cổ dù khó học nhưng lại rất thú vị nếu hiểu được nội tâm của nhân vật. Diễn đạt được thần thái, tâm hồn của nhân vật là thách thức mà Quỳnh luôn muốn chinh phục.
“Từ Nam Phước (Duy Xuyên), em theo học tuồng tại Hà Nội lúc 16 tuổi. Lúc đó, suy nghĩ của em còn non nớt lắm. Đã không ít lần vì hát đi hát lại không được, em bưng mặt khóc. Không phải như bây giờ, các bạn đồng trang của em đã trân trọng hơn khi biết em theo nghề tuồng mà hồi đó, vì trẻ dại, không ít bạn buông lời trêu chọc “Quỳnh hát bội”. Em từng xin ba mẹ về nhà nhưng rồi gia đình động viên em tiếp tục học, vượt qua nhiều kỳ thi tuyển rồi trở thành diễn viên như hôm nay. Nghề này không thể thành công nếu không kiên trì...”, Quỳnh đúc kết.
Tiện và Quỳnh là 2 trong số 20 diễn viên trẻ thuộc thế hệ gen Z được Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phát hiện trong các đợt tìm kiếm tài năng trên đất Quảng Nam vào năm 2016.
Trong 4 năm học tập ở Hà Nội, nhóm diễn viên vừa được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật tuồng vừa tiếp tục học chương trình THPT. Năm 2020, nhà hát được bổ sung 12 biên chế. Ngay sau đó, 20 bạn trẻ lại bước vào cuộc cạnh tranh, thi thố trên sân khấu để chính thức đặt chân vào Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Xây thế hệ “anh kép”, “chị đào” bản lĩnh
Khác với 2 đồng nghiệp, “anh kép” Trịnh Ký Vũ (25 tuổi) được tiếp xúc với âm nhạc truyền thống từ rất sớm bởi có người cha là tác giả viết dân ca bài chòi, còn mẹ là diễn viên hát kịch dân ca ở huyện Hiệp Đức.

Nhờ nền tảng tốt lại được sự chỉ dạy tận tâm của những nghệ sĩ bậc thầy, như: NSND Phan Văn Quang, NSND Trần Đình Sanh, NSND Nguyễn Thị Thu Nhân…, Vũ nhanh chóng nắm bắt rồi trở thành nhân tố xuất sắc của nhà hát.
“Tuồng cổ là bộ môn nghệ thuật rất khó, nhất là đối với những người trẻ như em. May mắn được những nghệ sĩ gạo cội từng gắn bó với nhà hát cầm tay chỉ việc nên chúng em ngày càng trưởng thành trong nghề. Với em, được vào vai diễn đã là niềm hạnh phúc nên không lý do gì mình nề hà khi được phân công kép chính - phụ hay làm quân - lính... Nhờ những vai diễn nhỏ trong Ngược sóng, Nửa cõi sơn hà… mà em ngày càng hoàn thiện khả năng trình diễn”, Vũ nói.
Niềm đam mê cộng với sự rèn luyện kiên trì đã giúp Vũ có được giải thưởng khi chỉ mới 23 tuổi. Đó là giải Nhì cho vai diễn Đổng Kim Lân (trong trích đoạn Đổng Kim Lân qua đèo) tại cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc do Bộ VH-TT-DL tổ chức vào năm 2023.
Cùng 25 tuổi và xuất phát điểm khá giống với Vũ, “anh kép” Phan Tùng Lâm (quê xã Quế Thọ, Hiệp Đức) có cậu là NSND Phan Văn Quang dẫn lối đến với tuồng khi mới 17 tuổi. Có lẽ vì thế mà Lâm hiểu được giá trị của sự lan tỏa, quảng bá nghệ thuật tuồng.
“Các chương trình Đưa tuồng vào học đường mà em đang trình diễn không chỉ giúp các bạn học sinh hiểu hơn về nghệ thuật tuồng mà biết đâu, trong số các bạn nhỏ sẽ có những bạn trở thành nghệ sĩ tuồng trong tương lai” - Lâm chia sẻ.
“Chị đào” Trần Vũ Quỳnh kể, cô biết đến tuồng xứ Quảng từ năm lớp 8, khi lần đầu tiên tham gia chương trình đưa tuồng vào học đường rồi mê luôn. Chính vì trải nghiệm đó mà Quỳnh luôn nỗ lực đưa tuồng đến gần học sinh, du khách không phải qua sách vở mà qua những lần diễn, trực tiếp múa, hát, giải thích.
Là người hoạt động nghệ thuật 5 năm qua, Quỳnh cho rằng, những chương trình quảng diễn tuồng ở các “sân khấu mới”, như: nhà ga sân bay, phố đi bộ, công viên... là cách hay để giới thiệu nghệ thuật tuồng đến với du khách quốc tế. “Chứng kiến sự thích thú của học sinh hay ánh mắt tò mò của khách nước ngoài, em lại có thêm lý do để gắn bó với nghề”, Quỳnh nói.
NSND Phan Văn Quang (công tác tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng) đánh giá, là loại hình nghệ thuật khó, tuồng đòi hỏi phải khổ luyện. Diễn viên giỏi là người hội đủ “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”.
“Chỉ cần có được 3 trong 6 yếu tố ấy đã khó rồi”, ông Quang nói. Vậy nên, muốn gánh vác nghề, cùng với năng khiếu, nghệ sĩ trẻ phải đam mê, nhiệt huyết và yêu nghề... Những gen Z ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hiện nay, khiến người ta có thêm niềm tin về vốn liếng văn hóa truyền thống sẽ luôn sâu bền cùng thời gian.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gen-z-giu-lua-tuong-xu-quang-3154059.html
Bình luận (0)