“Tư cách người chính trị viên”
Ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), bên cạnh người Đội trưởng (đồng chí Hoàng Sâm), còn có Chính trị viên (đồng chí Dương Mạc Thạch). Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL, xác lập tổ chức hệ thống chính trị viên trong quân đội. Theo đó, trong việc xây dựng bộ đội, công tác chính trị được coi là linh hồn; từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự có một chính trị viên là người chăm nom về mặt tinh thần, tư tưởng của bộ đội; chính trị viên ở mỗi đơn vị có trách nhiệm giúp người chỉ huy triển khai thi hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nâng cao tinh thần cho bộ đội.
Với tư cách là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở, người chính trị viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, nhằm phát huy sức mạnh nhân tố con người, nhân tố chính trị tinh thần trong quân đội.
Trong thư gửi Hội nghị chính trị viên, tháng 3-1948, cùng với khẳng định sự cần thiết phải có đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh “tư cách” của người đảm nhiệm công việc hệ trọng này: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”(1); đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn.
Theo đó, “thân thiết”, “công bình”, “hiểu biết” vừa là phương pháp, tác phong công tác, vừa là phẩm chất nghề nghiệp của người thực hiện công tác tư tưởng đối với bộ đội; được ví như “sức mạnh mềm” có tác động thẩm thấu, lan tỏa một cách tự nhiên, sâu sắc đến toàn bộ nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin và hành động của bộ đội.
“Thân thiết như một người chị” là biểu thị mối quan hệ ruột thịt, luôn biết quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Với người chị, bao giờ cũng có đức tính hiền hậu, vị tha và nâng niu, chỉ bảo các em ân cần, nhẹ nhàng, chu đáo. Khi có tấm lòng “thân thiết như một người chị”, chính trị viên sẽ luôn gần gũi, gắn bó, hài hòa với cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo; luôn tạo mọi điều kiện cho bộ đội được học tập, rèn luyện, phấn đấu tiến bộ và trưởng thành.
Với vai trò “như một người anh”, người chính trị viên trong mọi hoạt động của bộ đội phải thật sự bình đẳng, công bằng, công tâm, khách quan song cũng luôn sáng suốt, quyết đoán trong mọi tình huống. Bởi, “người anh” hội tụ những phẩm chất như bản lĩnh, cương nghị, song cũng điềm đạm, chín chắn, biết “cầm cân nảy mực”, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho bộ đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Do đó, mỗi chính trị viên cần bản lĩnh trong tư tưởng, khôn khéo, mềm dẻo trong giao tiếp ứng xử, chuẩn mực, hài hòa trong giải quyết các mối quan hệ, biết đối nhân xử thế một cách công tâm, tinh tế để góp phần xây dựng bầu không khí và tâm lý tích cực, thân thiện, chan hòa; thực sự là “chỗ dựa” vững chắc cho toàn đơn vị.
Với yêu cầu “hiểu biết như một người bạn” đối với chiến sĩ, đòi hỏi mỗi chính trị viên phải thường xuyên gần gũi, sâu sát, không tạo “khoảng cách” với bộ đội. Mỗi chính trị viên phải thực là “người bạn” thân thiết, nắm chắc đặc điểm tâm lý cá nhân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, biết quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội. Làm được điều đó, mỗi chính trị viên sẽ giúp cho mối quan hệ “cán - binh” càng thêm gắn bó, bền chặt.
Như vậy, “thân thiết” là biểu hiện đặc trưng của chiều sâu tình cảm, sự gắn bó; “công bình” phản ánh thái độ ứng xử, giải quyết mối quan hệ với bộ đội một cách khách quan, trung thực, nhân văn, nhân tình; “hiểu biết” chỉ ra năng lực, trình độ tiếp cận, khả năng phán đoán, xem xét, đánh giá bộ đội một cách khoa học, đúng người, đúng việc.
Người nắm giữ “linh hồn” ở đơn vị cơ sở trong quân đội
Đội ngũ chính trị viên là người nắm giữ “linh hồn” ở đơn vị cơ sở trong quân đội, vì họ giữ vững định hướng chính trị trong mọi hoạt động của đơn vị, làm cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị luôn phấn đấu có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Hiện nay, chính trị viên được biên chế ở cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương ở đơn vị cơ sở quân đội; là người chủ trì về chính trị, bí thư cấp ủy, chi bộ có vai trò quan trọng trong xây dựng cấp ủy, chi bộ trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Với tư cách là người chủ trì về chính trị, đội ngũ chính trị viên chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị; đồng thời góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của người chỉ huy, cùng người chỉ huy trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, xây dựng các tổ chức vững mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt đúng vị trí, vai trò của chính trị viên trong công tác tư tưởng. Người chỉ rõ: “Chính trị viên cần phải biết rõ và báo cáo cho cấp trên rõ số lượng và chất lượng của bộ đội mình”(3). Việc tiến hành công tác tư tưởng đối với bộ đội không phải bằng “mệnh lệnh” mà phải bằng chính “cái tâm” của người cán bộ, qua sự gần gũi, hòa đồng, thực sự tôn trọng và thương yêu bộ đội, có như vậy thì bộ đội mới kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy như những người thân của mình; qua đó sẽ mạnh dạn bộc lộ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; đồng thời đem hết khả năng, sức lực của mình để cống hiến cho đơn vị. Nếu cán bộ thiếu quan tâm, có biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời..., thì bộ đội không dám bộc lộ về tư tưởng, tiếp thu mệnh lệnh một cách “khiên cưỡng”, kết quả thực hiện các nhiệm vụ thấp, thậm chí còn có hành động phản kháng tiêu cực, có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Để thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với quân nhân trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ, trực tiếp là người chính trị viên phải thật sự gần gũi, thương yêu và chăm sóc chiến sĩ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”(4).
Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi chính trị viên phải tích cực, chủ động trong thực hiện công tác tư tưởng, luôn nhạy bén, đi trước một bước, để xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức, động cơ, thái đội và trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ; luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng đơn vị cơ sở thực sự là những “pháo đài” về tư tưởng, bất khả xâm phạm trong mọi tình huống.
Phát huy vai trò của chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay
Một là, phát huy vai trò của chính trị viên trong giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở.
Giáo dục chính trị tư tưởng là chế độ, nội dung của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp, thường xuyên, trực tiếp là chính trị viên - người chủ trì về chính trị ở đơn vị, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đến việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”(5). Với vai trò là bí thư cấp ủy, chi bộ, người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm chính trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị, do đó, chính trị viên phải cùng cấp ủy, người chỉ huy xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ, toàn diện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đến mọi quân nhân thuộc quyền. Chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, sẽ trực tiếp góp phần bồi dưỡng cho mọi quân nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, có động cơ học tập, huấn luyện, rèn luyện đúng đắn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hai là, phát huy vai trò của chính trị viên trong vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở.
Đội ngũ chính trị viên là những người trực tiếp cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt, là “người chị, người anh, người bạn” của bộ đội, nên phải thường xuyên theo dõi, phân tích, xem xét, dự báo và định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, nhất là những đồng chí có vấn đề về tư tưởng. Vì vậy, cần phát huy vai trò đội ngũ chính trị viên trong nắm bắt và dự báo chính xác các vấn đề tư tưởng của bộ đội; thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, người chính trị viên phải thực sự gần gũi, sâu sát bộ đội, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ để giải quyết kịp thời những vướng mắc về tư tưởng đang đặt ra. Bên cạnh đó, chính trị viên phải chủ động đánh giá, phân loại tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, thông qua phân loại sẽ “khoanh vùng” được những quân nhân có vấn đề về tư tưởng để tập trung quản lý, giúp đỡ họ vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để thực hiện tốt vai trò của mình, đòi hỏi mỗi chính trị viên phải thực sự chuẩn mực về đạo đức, lối sống, “nêu gương” về lời nói và việc làm, luôn gần gũi, sâu sát bộ đội, thực sự là “chỗ dựa” tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ tin tưởng, nghe theo và làm theo.
Ba là, phát huy vai trò của chính trị viên trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái; chủ động quản lý hoạt động tham gia và tương tác trên các phương tiện truyền thông xã hội của quân nhân ở đơn vị cơ sở.
Giải pháp này rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ tạo “sức đề kháng” cho quân nhân trước những tác động của ngoại cảnh. Theo đó, chính trị viên là người chủ trì về chính trị, chỉ đạo “Lực lượng 47” chủ động, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng chính trị nội bộ, đánh giá, phân loại tư tưởng; chủ động bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiến hành công tác giáo dục, quản lý, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý và phương pháp giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp trong đơn vị. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc quân nhân tham gia và tương tác trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội là điều tất yếu. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, các phương tiện truyền thông xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...), chính trị viên tăng cường phổ biến, lan tỏa các thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin, quan điểm tiêu cực, sai trái, thù địch, phản động. Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng để nắm bắt tư tưởng của quân nhân thông qua các tương tác, chia sẻ, bình luận, từ đó có những dự báo, biện pháp ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tư tưởng không lành mạnh, nhất là những tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường, những tệ nạn xã hội hiện nay.
Yêu cầu về “Tư cách người chính trị viên” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những vấn đề cốt lõi trong phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người chính trị viên. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đòi hỏi mỗi chính trị viên ở đơn vị cơ sở cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu; nêu gương về đạo đức, lối sống, làm gương trong lời nói và hành động, giải quyết hài hòa các mối quan hệ; thường xuyên quan tâm, sâu sát đơn vị, thực sự là “người anh, người chị, người bạn” và “chỗ dựa” tinh thần vững chắc cho bộ đội, là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tin tưởng, học tập và noi theo./.
--------------------------
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 484
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr.76
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 181
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1080603/van-dung-loi-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-%E2%80%9Ctu-cach-nguoi-chinh-tri-vien%E2%80%9D-vao-cong-tac-tu-tuong-o-don-vi-co-so-quan-doi-hien-nay.aspx
Bình luận (0)