Trong VHNT, “Chân” là cái thật, là yếu tố cốt lõi của nghệ thuật chân chính. Những câu chuyện, nhân vật, biến cố hay dòng suy tưởng trong tác phẩm đều mang trong mình khát vọng nói lên sự thật về con người, về đời sống, về xã hội. Qua đó, văn học thôi thúc người đọc sống trung thực, sống có lý tưởng và đối diện với bản thân mình.
“Thiện” là đạo đức, là lòng nhân ái, là cách đối đãi bao dung giữa con người với nhau. Các tác phẩm văn chương, hội họa, âm nhạc luôn gieo vào lòng người những hạt mầm của sự yêu thương, của tinh thần trách nhiệm, sống vì cộng đồng, tôn trọng lẽ phải và đấu tranh cho công lý.
“Mỹ” là cái đẹp, đẹp trong nghệ thuật tạo hình, đẹp trong ngôn từ và đẹp trong tư tưởng, hành vi, tâm hồn. Một bài thơ nhẹ nhàng, một bức tranh sâu sắc, hay một giai điệu dịu dàng… đều có thể đánh thức cảm xúc, giúp con người biết rung cảm trước cái hay, cái đúng, cái đẹp và sống tử tế, nhân hậu hơn.
Trong dòng chảy nghệ thuật Việt Nam, rất nhiều tác phẩm, hình tượng nhân vật đã trở thành biểu tượng sống động cho các giá trị này. Điển hình như hình tượng ông tiên, bà chúa, nhân vật chính trong truyện cổ tích thường đại diện cho lòng nhân từ, đức độ, tình yêu thương con người, luôn đứng về phía người yếu thế, qua đó không chỉ truyền tải giá trị đạo đức mà còn lan tỏa hành động nhân văn, sống “Thiện”.
Những trang văn của nhà văn Nam Cao lại là biểu tượng sống động cho “Chân” và “Mỹ” trong bi kịch. Nổi bật như qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn không chỉ phơi bày sự thật trần trụi về xã hội nửa thực dân nửa phong kiến dồn con người đến đường cùng mà còn làm lay động lòng người bởi khát vọng được sống tử tế, được làm người lương thiện - một điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng vô cùng lớn lao đối với một con người bị chối từ.
Vùng đất Vĩnh Phúc - mảnh đất thiêng, nơi hội tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ tài hoa đã và đang thắp sáng những giá trị chân - thiện - mỹ qua từng tác phẩm.
Cố nhà thơ Hoàng Tá, hội viên Hội VHNT tỉnh với tâm hồn trong sáng, sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng đã mang đến cho thiếu nhi những vần thơ trong trẻo và sâu sắc.
Với nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương, một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của Hội VHNT tỉnh, văn chương không chỉ là đam mê mà còn là sứ mệnh truyền cảm hứng sống đẹp, sống tử tế. Trưởng thành từ gian khó, ông đưa trải nghiệm sống thật vào trang văn một cách chân thành, sâu lắng. Từ tiểu thuyết đầu tay “Đồng vọng ngược chiều” cũng là tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của văn xuôi Vĩnh Phúc sau tái lập tỉnh đến các tác phẩm như “Vận may”, “Phá sản”… của ông luôn cổ vũ lòng nhân ái, sự chia sẻ và khát vọng sống cao đẹp. Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương là sự chiêm nghiệm về nhân sinh, lời tự sự thấm đẫm tinh thần nhân văn, giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp và giá trị của cuộc sống.
Cùng với văn chương, mỹ thuật Vĩnh Phúc cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ. Gia đình họa sĩ Nguyễn Anh Thập là một điển hình. Với 5 thành viên là hội viên Hội VHNT tỉnh, trong đó có 3 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, gia đình ông là cái nôi ươm mầm nghệ thuật nhiều thế hệ.
Gần 50 năm gắn bó với hội họa, tài năng của họa sĩ Nguyễn Anh Thập được giới chuyên môn đánh giá cao và được độc giả yêu mến với các tác phẩm đa dạng về thể loại như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, lụa... Các tác phẩm của ông phản ánh chân thực đời sống, tôn vinh người lao động, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương và truyền thống dân tộc. Những bức tranh cổ động như “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”... mang giá trị nghệ thuật cao, tái hiện lịch sử, tinh thần thời đại.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thập đã có nhiều tác phẩm được trưng bày ở các triển lãm lớn và đăng tải trên các tạp chí uy tín; đặc biệt, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong nhiều cuộc thi về hội họa cấp khu vực, quốc gia. Ông còn tham gia vẽ 3 bộ phim đèn chiếu phục vụ tuyên truyền về thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có bộ phim “Bà Lập xã Tam Phúc làm phân giỏi” đạt giải Nhì toàn quốc năm 1971…
Với sự nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi cho nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Anh Thập đã giành được nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành.
Chia sẻ về con đường nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Anh Thập cho biết: “Người họa sĩ muốn biết cái tâm của mình nên mới cầm cọ mà vẽ… Tôi luôn giữ nguyên tắc “chân nhân chân sự”, tức là vẽ những gì chân thật nhất, người thật, việc thật. Mỗi tác phẩm của tôi đều phản ánh một phần của cuộc sống. Đây cũng cách tôi thể hiện tình yêu đối với đất nước, con người. Đến với nghệ thuật không chỉ là đam mê mà là đạo, là cách để tôi sống vui, sống khỏe, sống đẹp và sống có ích cho cộng đồng”.
VHNT là cầu nối giữa con người và những giá trị tinh thần cao đẹp, nuôi dưỡng đời sống tinh thần và truyền cảm hứng sống đẹp đến với con người. Bằng chính sự chân thành, trách nhiệm và tâm hồn giàu tình yêu, các văn nghệ sĩ của Vĩnh Phúc đang góp phần làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật Việt Nam với những tác phẩm thấm đẫm chân - thiện - mỹ, giúp người đọc hiểu về chân lý, đạo đức và cái đẹp, từ đó dẫn dắt, cổ vũ họ sống tử tế, ý nghĩa và nhân văn.
Minh Hường
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126851/Van-hoc-nghe-thuat-huong-con-nguoi-toi-gia-tri-chan---thien---my
Bình luận (0)