
Trong những năm qua, thị xã Kinh Môn đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ gồm xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất thông minh và đẩy mạnh thương mại điện tử.
Nâng cao giá trị, mở rộng thị trường
Các địa phương trên địa bàn thị xã tích cực hỗ trợ tập huấn kỹ năng số cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp công nghệ, phát triển phần mềm quản lý vùng trồng, sử dụng thiết bị IoT trong canh tác và bảo quản nông sản.
Đến nay, thị xã Kinh Môn có hơn 70% diện tích vùng sản xuất hành, tỏi trên cánh đồng lớn đã được số hóa thông tin về giống, quy trình canh tác, phân bón, nhật ký đồng ruộng.
Đáng chú ý, không ít hợp tác xã trên địa bàn thị xã đã ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nhà màng, nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp tiết kiệm 30 - 40% chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất từ 15 - 20% so với phương pháp canh tác truyền thống.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất trên địa bàn huyện là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thất Hùng (phường Thất Hùng). Được thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã Thất Hùng đã nhanh chóng áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để nâng cao hiệu quả, hợp tác xã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để triển khai mã QR cho từng lô sản phẩm hành, tỏi, đồng thời kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart, Voso, Shopee... để gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng đầu ra.
Hợp tác xã cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản hành, tỏi sau thu hoạch và sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc để nâng cao niềm tin của khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm hành Kinh Môn của hợp tác xã hiện đã xuất khẩu thành công sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với giá bán cao gấp 1,5 - 2 lần so với bán buôn truyền thống.
Với hoạt động sản xuất ổn định, năm 2024, doanh thu của Hợp tác xã Thất Hùng đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 lao động với mức thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã cũng đang hợp tác với các viện nghiên cứu để tiếp tục lai tạo giống hành tỏi mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và xu hướng tiêu dùng bền vững.
Bứt phá cùng công nghệ
Tương tự, mô hình của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn An Phú (phường An Phụ) cũng là một điểm sáng trong ứng dụng chuyển đổi số ở Kinh Môn. Cụ thể, Hợp tác xã An Phú đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới trên diện tích hơn 20 ha, ứng dụng cảm biến nhiệt độ, độ ẩm tự động hóa hoàn toàn trong quy trình chăm sóc rau sạch.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao và kiểm soát quy trình chặt chẽ từ gieo trồng đến thu hoạch, rau của Hợp tác xã An Phú đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được các chuỗi siêu thị lớn như Winmart, Aeon… đặt mua dài hạn.
Hợp tác xã hiện cung cấp khoảng 10 tấn rau sạch mỗi ngày cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Năm 2024, doanh thu của hợp tác xã đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 80 lao động địa phương.
Một trong những kết quả nổi bật nhất từ quá trình chuyển đổi số tại Kinh Môn là sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của hợp tác xã, nông dân. Từ chỗ sản xuất manh mún, tự phát, nhiều nông hộ đã chuyển sang sản xuất theo đơn đặt hàng, theo chuỗi giá trị, lấy thị trường làm trung tâm.
Thành công của các hợp tác xã ở Kinh Môn hiện tại đến từ các chính sách hỗ trợ đúng hướng của các sở, ban, ngành và địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương.
Các chương trình của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương tập trung vào việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng thương hiệu cho các hợp tác xã.
Từ năm 2020 đến nay, khoảng 30 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương, bao gồm cả thị xã Kinh Môn, đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng từ các quỹ như Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh và của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Nhờ đó, nhiều hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Khơi thông nguồn lực phát triển
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng hỗ trợ các hợp tác xã tại Kinh Môn trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Điển hình là Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng Kinh Môn, được hỗ trợ hệ thống máy tách thủy phần theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Thiết bị này giúp lọc tạp chất và nước trong quá trình thu mật ong, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hợp tác xã còn được hỗ trợ tem, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm mật ong nội rừng .
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương cũng hỗ trợ các hợp tác xã ở Kinh Môn trong việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình, Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (xã Bạch Đằng) với diện tích trồng thanh long hơn 60 ha, năng suất đạt 45 tấn/ha/năm. Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ và được hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, hợp tác xã đã nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ .
Không chỉ các hợp tác xã, nhiều hộ nông dân trẻ tại Kinh Môn cũng năng động ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tiêu biểu như anh Phạm Văn Hưng (phường An Lưu), chủ trang trại dưa lưới hơn 1 ha trồng trong nhà màng, điều khiển tưới tiêu và nhiệt độ bằng điện thoại thông minh.
Nhờ đầu tư bài bản, mỗi năm anh Hưng thu về gần 2 tỷ đồng, đồng thời mở rộng hợp tác bao tiêu sản phẩm cho các hộ lân cận.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công, anh Hưng cho biết: “Điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Công nghệ không chỉ giúp mình giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng, từ đó bán giá tốt hơn và mở rộng thị trường dễ dàng hơn”.
Với những nền tảng vững chắc, mục tiêu đến năm 2025, thị xã Kinh Môn phấn đấu có 100% sản phẩm chủ lực đều được số hóa thông tin sản xuất, truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, thị xã tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất nhỏ lẻ trong việc tiếp cận công nghệ số, thương mại điện tử, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Kinh Môn đã và đang đẩy mạnh liên kết "4 nhà" (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp), đồng thời ưu tiên nguồn lực cho việc đầu tư hạ tầng số tại các vùng sản xuất tập trung, tăng cường đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động nông thôn.
PV (theo Vnbusiness)Nguồn: https://baohaiduong.vn/chia-khoa-de-nong-dan-kinh-mon-kiem-bon-tien-tu-cay-trong-quen-thuoc-410772.html
Bình luận (0)