Chiến thắng Phan Rang khẳng định sức đột kích mạnh, tính cơ động, khả năng tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của Quân giải phóng; góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, tạo điều kiện, thời cơ thuận lợi để quân và dân ta đẩy nhanh cuộc tổng tiến công chiến lược cuối cùng vào sào huyệt địch ở Sài Gòn.
Tháng 3-1975, sau khi mất Tây Nguyên và khu vực Trung Trung Bộ, được Mỹ cố vấn, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng ngụy quân lập tuyến phòng thủ Phan Rang để bảo vệ đầu não Sài Gòn từ xa và cũng chính là bảo vệ quê hương Ninh Thuận nơi Nguyễn Văn Thiệu sinh ra. Tướng Cao Văn Viên giao nhiệm vụ này cho Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân khu 3-Quân đoàn 3 ngụy. Do Toàn đang trực tiếp bảo vệ Xuân Lộc nên y thành lập Bộ chỉ huy tiền phương quân khu tại sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và giao cho Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó tư lệnh đảm nhiệm Tư lệnh Bộ chỉ huy tiền phương.
Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm tòa hành chính của ngụy ở tỉnh Ninh Thuận, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu |
Sau khi nghiên cứu tình hình ở Phan Rang, đầu tháng 4-1975, Nguyễn Vĩnh Nghi thảo kế hoạch phòng thủ Phan Rang rất mạnh, tương đương 2 sư đoàn bộ binh, cùng thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, nhiều trận địa pháo; đặc biệt, sân bay Thành Sơn có hơn 50 máy bay các loại yểm trợ; có tàu chiến ở cửa biển Ninh Chữ sẵn sàng chi viện. Muốn vào được Ninh Thuận chỉ có hai con đường là Đường 1 nối với tỉnh Khánh Hòa ở phía Bắc đi qua quận lỵ Du Long (hướng chủ yếu) và Đường 11 từ phía Tây Bắc nối với Tây Nguyên. Hai bên đường là núi cao hiểm trở. Quận lỵ Du Long được tướng Nguyễn Văn Toàn ví như một cửa ải, “một người có thể địch nổi muôn người”. Tại đây, chúng bố trí đội hình phòng ngự hàng dọc có chiều sâu hơn 20km, từ quận lỵ Du Long đến thị xã Phan Rang, do lữ đoàn dù, liên đoàn biệt động và một chi đoàn xe tăng, xe bọc thép yểm trợ. Ngoài ra, máy bay địch có thể đánh chặn đối phương từ Khánh Hòa đến Phú Yên; pháo tầm xa của chúng có thể bắn tới Cam Ranh. Toàn bộ lực lượng địch với hàng chục nghìn tên, được trang bị hỏa lực mạnh, tổ chức phòng ngự liên hoàn chặt chẽ, trên địa hình có lợi. Vì thế, chúng tự tin chặn đứng lực lượng tiến công của quân ta trước cửa ngõ Phan Rang. Theo nhận định của Nguyễn Vĩnh Nghi, Quân giải phóng đang ở xa hậu tuyến, đồng thời phải củng cố các địa bàn mới chiếm được nên có nhanh cũng phải 20 ngày mới có thể tiếp tục tiến công được.
Về ta, quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị là giải phóng hoàn toàn miền Nam trong tháng 4-1975. Với quyết tâm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, sáng 7-4-1975, xuất phát từ Đà Nẵng, cánh quân Duyên Hải do Tư lệnh Lê Trọng Tấn chỉ huy, chia làm 5 khối thần tốc hành tiến theo Quốc lộ 1 vào Nam. Với sức mạnh tiến công “một ngày bằng 20 năm”, chỉ trong một thời gian rất ngắn, Quân giải phóng thần tốc vượt qua chặng đường dài, nhanh chóng tiếp cận tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Ngày 10-4, lực lượng đi đầu của cánh quân đã tới Cam Ranh, các khối còn lại đang trên đường tiến quân vào Bắc Cam Ranh theo kế hoạch. Cùng thời gian đó, từ ngày 8 đến 11-4, Sư đoàn 3-Sao Vàng đã đưa toàn bộ lực lượng triển khai ở Bắc thị xã Phan Rang sẵn sàng tiến công địch. Sáng 14-4, Sư đoàn 3 nổ súng tiến công vào tuyến phòng ngự Phan Rang của địch. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, Sư đoàn 3 đánh chiếm được một số mục tiêu dọc Quốc lộ 1 và các khu vực lân cận như quận lỵ Du Long, các điểm cao 105, 300, Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá và tiêu diệt một số cứ điểm ngoại vi sân bay Thành Sơn.
Với sự có mặt kịp thời của các lực lượng của Quân đoàn 2, cùng với Sư đoàn 3 nhanh chóng hình thành 3 mũi. Mũi thứ nhất thọc sâu, đột phá chủ yếu theo Quốc lộ 1 vào trung tâm thị xã Phan Rang, sau đó phát triển phối hợp cùng với Sư đoàn 3 đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Mũi thứ hai đánh chiếm quận lỵ An Phước, Phú Quý và truy quét tàn quân địch. Mũi thứ 3, phối hợp đánh chiếm cảng Ninh Chữ và Tân Thành không cho địch tháo chạy ra biển. Với lối đánh bất ngờ, táo bạo bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, chiều 16-4, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ sân bay Thành Sơn, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận.
Trận tiến công Phan Rang trong hành tiến bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của cánh quân Duyên Hải thắng lợi giòn giã. Ta tiêu diệt, bắt gọn Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 3 ngụy (trong đó có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang); tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 6 không quân, Sư đoàn 2 bộ binh ngụy; Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn biệt động 31, toàn bộ lực lượng địch ở tiểu khu Ninh Thuận... Ta đã bắn cháy nhiều máy bay A37 của địch; bắn chìm 3 tàu chiến; thu 40 máy bay còn nguyên vẹn; hàng chục xe thiết giáp M113 và xe tăng M48; 60 khẩu pháo cùng nhiều trang bị kỹ thuật phương tiện chiến tranh khác; giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận với 320.000 dân; đồng thời góp phần đập tan âm mưu của Mỹ-ngụy với ý định ngăn chặn các lực lượng của ta từ xa để củng cố thế trận của chúng ở Sài Gòn-Gia Ðịnh.
Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang thể hiện sự nắm bắt thời cơ, xử trí các diễn biến mau lẹ tình hình chiến trường của Quân giải phóng; nhất là việc nghiên cứu tình hình địch-ta, địa hình, thời tiết để đề ra phương án tác chiến khoa học, hiệu quả. Lực lượng địch tuy đông, vũ khí, trang bị hiện đại nhưng phải dàn mỏng, tính cơ động trong phòng ngự cao... Nếu ta khống chế được sân bay Thành Sơn, kiềm chế được các trận địa pháo, cối của chúng, tổ chức tiến công nhanh, mạnh, dồn dập, bất ngờ, quân địch ở Phan Rang sẽ bị rối loạn và tan vỡ. Với phân tích khoa học, Bộ tư lệnh cánh quân Duyên Hải quyết định thực hiện cách đánh tiến công trong hành tiến bằng hiệp đồng quân, binh chủng đánh thẳng vào thị xã Phan Rang, rồi tỏa ra các hướng, đánh chiếm các mục tiêu khác, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở phòng tuyến Phan Rang, giải phóng Ninh Thuận. Chiến thắng Phan Rang tạo ra thế và lực nhảy vọt cho quân ta; đồng thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
NGÔ HOÀI ĐÔNG - PHÙNG VIỆT ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dap-tan-la-chan-thep-phan-rang-cua-dich-250270.html
Bình luận (0)