Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhà văn Dương Thụy: Viết để kể những câu chuyện tích cực

Sinh năm 1975 tại TPHCM, nhà văn Dương Thụy là thế hệ viết văn trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất. Dù có nhiều cơ hội để sống và làm việc tại các quốc gia lớn, nhưng chị quyết định ở lại và gắn bó với thành phố như một sự gắn bó ruột thịt mà không dễ dàng tách rời. Được lớn lên cùng thành phố cũng là cơ hội cho chị chứng kiến những đổi thay của thành phố sau 50 năm.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng04/05/2025

CN4 nhan vat.jpg
Nhà văn Dương Thụy

PHÓNG VIÊN: Chào nhà văn Dương Thụy. Tác phẩm sau cùng của chị được xuất bản vào năm 2021, tính đến nay đã 4 năm, vì sao chị lại “im hơi lặng tiếng” lâu như vậy?

Nhà văn DƯƠNG THỤY: Sau cuốn Yêu em bằng mắt, giữ em bằng tim xuất bản tháng 5-2021, tôi có hơi buồn vì tình hình văn hóa đọc không còn được như trước. Sách ra vào lúc dịch Covid-19 bùng lên, rồi giãn cách xã hội, chẳng ai còn tâm trí để đọc sách. Có thể vì dịch bệnh, bạn đọc không có điều kiện đi giao lưu ra mắt sách, hội chợ sách thường niên ở Công viên Lê Văn Tám cũng bị ngưng, kéo theo tinh thần đọc không còn được hăng hái như xưa. Bản thân tôi là người viết, dù có suy nghĩ tích cực đến đâu, tôi cũng bị mất động lực. Bây giờ tôi suy nghĩ, mình phải viết gì thật sự có một lượng độc giả muốn tìm đọc.

Gần 20 năm trước, với Oxford thương yêu, hay Nhắm mắt thấy Paris, Chờ em đến Francisco… bạn đọc trong nước dường như được hấp thụ một “làn gió mới” từ những tác phẩm của chị, khi bối cảnh trong truyện được “dịch chuyển” sang trời Tây. Đây có phải là chủ ý của chị, để khác đi với những tác phẩm lấy bối cảnh trong nước?

Tôi không có chủ ý làm cho tác phẩm của mình khác biệt. Khi đó, tôi được đi công tác nước ngoài, đi thực tập rồi du học ở châu Âu. Tôi tiếp xúc với những điều mới mẻ, trải nghiệm những điều quý giá giúp tôi trưởng thành, vì thế tôi muốn viết nên những câu chuyện để chia sẻ những điều tôi học hỏi được. Những truyện ngắn lúc đầu được đăng rải rác trên các báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, Người Lao Động, Thanh Niên, Áo Trắng... nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc. Thế là tôi thử thách bản thân bằng truyện dài đầu tiên. Tôi không ngờ Oxford thương yêu được viết một cách rất hồn nhiên, không có chút kỹ thuật cao siêu gì, khi ra mắt lần đầu cách nay 18 năm lại có sức hút đặc biệt đối với độc giả trẻ.

Những cô gái Quỳnh Mai, Tuyết Hường trong Nhắm mắt thấy Paris, An trong Chờ em đến Francisco, hay Kim trong Oxford thương yêu được chị xây dựng như là một thế hệ trẻ người Việt bắt đầu bước chân ra với thế giới, từ đó mở đầu cho trào lưu khám phá và học hỏi thế giới rộng lớn sau này. Chị chia sẻ gì về điều này?

Độc giả luôn đề nghị tôi tiếp tục viết về đề tài có yếu tố nước ngoài, những trải nghiệm tích cực, những va chạm về văn hóa... Thế giới này rộng lớn, thời nào cũng có những điều mới mẻ để mình học hỏi. Về sau này, các bạn có điều kiện đi du lịch, du học hay công tác ra nước ngoài nhiều hơn, có nhiều bạn cho tôi biết, họ được truyền cảm hứng từ những cuốn sách của tôi, họ dám mơ ước được bước chân ra thế giới bên ngoài, nỗ lực theo đuổi mục tiêu đề ra và đã thành công bước đầu trên hành trình tìm kiếm lẽ sống của mình.

Văn chương vốn được nhắc đến như một công việc đầy nhọc nhằn, trong khi thu nhập chẳng đáng là bao. Điều gì khiến chị gắn bó với văn chương từ khi là cô học trò cấp 3 đến tận bây giờ?

Rất buồn là ở Việt Nam hiếm có ai sống được hoàn toàn chỉ bằng nghề viết. Vì thế, tôi cũng cần có một công việc ổn định, trưởng thành trong môi trường nghề nghiệp của mình. Song song đó, tôi vẫn viết, dù là viết túc tắc thôi, nhưng tôi giữ thói quen đọc và viết để luôn làm mới bản thân mỗi ngày.

Sinh năm 1975, chị được xem là thế hệ ghi dấu với những chuyển mình của đất nước nói chung và của TPHCM nói riêng. Đứng trước thời khắc 50 năm đất nước thống nhất, cũng là 50 năm lớn lên cùng thành phố, cảm xúc của chị là gì?

Thời gian trôi qua nhanh vùn vụt, tôi đã thử sống chậm vài lần nhưng sống tại TPHCM năng động, tôi luôn bị cuốn theo nhịp phát triển vũ bão của thành phố. Chỉ cần mình chậm lại một ngày, mình sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, tôi nghĩ khó mà sống chậm, chỉ cố sống cân bằng, được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác.

Ở vị thế của chị, cơ hội để ra nước ngoài sống và làm việc hẳn là không thiếu, nhưng vì sao chị vẫn quyết định ở lại TPHCM làm việc, viết văn?

Tôi là người tình cảm, kết nối rất chặt với gia đình, những điều thân quen, với những giá trị truyền thống. Chính vì càng được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tôi càng hiểu rằng hạnh phúc và thành công là do mình cảm nghiệm và tạo ra. Ai cũng cần đi thật nhiều để học hỏi, tuổi nào cũng cần đi, quan sát thế giới, thu nạp những điều hay. Và, quan trọng là mình thấu hiểu bản thân muốn gì, đừng chạy theo xu thế. Thế gian này rộng lớn, nhưng thời gian của ai cũng có giới hạn, chọn cho mình một nơi neo đậu phù hợp là điều tuyệt vời nhất.

Từng được đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhìn lại hành trình 50 năm của TPHCM, chị có cảm nhận như thế nào về sự phát triển của thành phố?

Cách nay 25 năm, khi bước chân ra bên ngoài Việt Nam, tôi thấy có nhiều độ chênh. Nhưng đến nay, những người sống tại TPHCM khi bước ra thế giới sẽ không còn thấy bỡ ngỡ nữa. TPHCM cập nhật rất nhanh xu thế của thế giới. Người thành phố cũng nhân văn hơn, thân thiện hơn, chào đón những người ở các tỉnh, thành khác đến học tập và lập nghiệp, đồng thời chào đón cả những người nước ngoài ở khắp nơi trên thế giới đến tìm kiếm cơ hội.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nha-van-duong-thuy-viet-de-ke-nhung-cau-chuyen-tich-cuc-post793687.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm