Độc đáo nhà dài
Trở lại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) sau gần 10 năm, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Ka Diết (buôn Bơ Đăng, thôn 2), nơi vẫn giữ được căn nhà dài cuối cùng trong vùng. Dù kho lúa bên cạnh không còn, thay vào đó là căn nhà xây kiên cố nhưng bà Ka Diết vẫn sử dụng nhà dài làm nơi sinh hoạt hàng ngày.
Nghe các già làng kể lại rằng nhà dài của người Mạ đã được truyền qua nhiều thế hệ. Nhà của bà Ka Diết dài gần 15m, mái và vách làm từ lá mây rừng, sàn nhà làm bằng tre, nứa, cách mặt đất chừng nửa mét, nơi đây vẫn giữ được nguyên cách bài trí vật dụng trong gia đình truyền thống. Từ khu vực để thức ăn, dụng cụ lao động, chiêng, ché, chum, trống và các nhạc cụ khác được bày biện ngay đối diện cửa ra vào. Tiếp đó là khu vực vách giữa căn nhà được bày những vật dụng sử dụng trong nghi lễ cúng như cây nêu, sừng thú, lông chim… Đặc biệt, không gian bếp lửa lúc nào cũng âm ỉ cháy trong làn khói nghi ngút bốc lên, lớp bồ hóng (bụi mịn từ bếp) bịt kín các khe hở trên mái lá, dấu hiệu nhận biết căn nhà vẫn là nơi sinh sống hàng ngày.
Theo những người lớn tuổi trong buôn, ở đây lửa và chiêng là hai thực thể gắn liền không thể tách rời nhau. Ngọn lửa nuôi tiếng chiêng, chiêng bặt tiếng khi chiêng mất lửa. Và đến nay, cũng chỉ duy nhất tại căn nhà của bà Ka Diết, những chiếc cồng, chiêng, ché, cùng với mọi nghi thức, lễ nghi cưới hỏi, ma chay… vẫn còn tồn tại và được bà lưu giữ.
Trong ngôi nhà của bà Ka Diết, chúng tôi may mắn được chứng kiến chủ nhà làm nghi lễ báo cáo với Yàng (thần linh). Sau khi khách ổn định chỗ ngồi, bà Ka Diết cẩn thận bôi tiết gà lên từng thanh cột, mái lá, miệng không ngừng đọc một câu thoại nào đó như để báo với thần linh về sự có mặt của những vị khách trong bữa cơm trưa, đồng thời cầu xin thần linh ban phước lành cho mọi người. Từ xa xưa, cộng đồng người Mạ quan niệm mọi hành động trong đời sống hàng ngày của họ đều do các lực lượng siêu nhiên mà họ gọi là Yàng chi phối. Họ thờ cúng rất nhiều Yàng như Yàng Hiu (thần nhà), Yàng Koi (thần lúa), Yàng Bri (thần rừng), Yàng Bơnơm (thần núi). Nhưng cũng chính vì quan niệm mọi sự vật trong đời sống của mình đều diễn ra theo ý muốn của các thần, nên trước mỗi dịp quan trọng như được mùa, sinh đẻ, bệnh tật hay đón tiếp khách quý đến chơi nhà, người Mạ thường dùng động vật để làm lễ tế và báo thần linh.
Ở buôn Bơ Đăng không phải ai cũng giữ được phong tục của tổ tiên như bà Ka Diết. Sự du nhập của các yếu tố văn hóa bên ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, nếp sống của bà con nơi đây. Ngồi đếm lại số chum, ché cũ trong một góc nhà, bà Ka Diết nói: “Mấy năm nay, gia đình không còn sử dụng nhiều đồ đạc trong này nữa. Nhưng khi có khách từ xa đến, tôi vẫn sẽ báo với Yàng, cầu mong Yàng phù hộ cho mọi người. Đồng bào tin rằng, trong mỗi cái chiêng đều có sự hiện diện của thần linh, chiêng càng cổ, càng xưa thì thì sức mạnh của thần linh càng lớn”.
Chấp chới dấu ấn xưa
Đường về trung tâm xã Lộc Bắc hôm nay đã được trải thảm nhựa láng mịn, những nếp nhà xây khang trang cũng mọc lên nhiều hơn minh chứng cho sự phát triển, đổi thay trong đời sống của bà con nơi đây. Căn nhà dài của gia đình bà Ka Diết giờ đứng lẻ loi giữa những công trình kiên cố đó.
Trong ký ức của những người như bà Ka Diết hay các già làng ở Lộc Bắc, ngày xưa, những căn nhà dài bằng tre nứa, dài đến cả trăm mét là nơi sinh hoạt chung của 3-4 thế hệ, có khi dài đến 7 bếp, 7 hộ cùng cư trú. “Nhà dài là nơi cư trú quen thuộc ngàn đời nay của cư dân chúng tôi. Trong mái nhà chung, không gian không hề ngăn cách, các gia đình nhỏ vẫn hàng ngày, hàng đêm thể hiện những sinh hoạt đời thường. Nó thể hiện sự gắn kết cộng đồng nhỏ trong cư dân người Mạ”, ông K’Xung (67 tuổi, người uy tín thôn 2, xã Lộc Bắc) cho biết.
Thấy những người khách từ xa đến tò mò về cách quần cư của người Mạ trong ngôi nhà dài truyền thống, ông K’Xung cho biết thêm: “Có nhiều cách để lý giải về kiểu cư trú này, ngoài ưu điểm sống trong nhà dài là mùa khô thì thoáng mát, còn mùa mưa lại ấm áp thì có lẽ do ngày xưa việc xây dựng nhà dài chỉ là một phản xạ tự nhiên của đồng bào Mạ với đời sống xã hội. Họ cần phải đoàn kết để chống chọi với thiên tai, thú dữ và cả những cuộc chiến tranh…”.
Sự vận động của xã hội hiện đại đã xóa dần dấu vết nhà dài, nguy cơ mất hẳn “văn hóa nhà dài” là điều thấy rõ. Ông K’Núi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc, chia sẻ: “Bà con giờ đây thích ở nhà bê tông kiên cố. Cuộc sống hiện đại, xu thế gia đình gọn nhẹ, có tính độc lập “một bếp” đã phổ biến nhiều trong cộng đồng người Mạ. Chỉ có bà Ka Diết, dù cũng có nhà con cháu xây lên kiên cố, song bà vẫn muốn gắn bó với nhà dài, để gìn giữ, nuôi cái chum, cái ché, đốt lửa mỗi ngày”.
Trước khi rời vùng đất Lộc Bắc, chúng tôi cứ ngẩn ngơ như mình vừa bị mất đi một cái gì đó quý giá lắm. Văn hóa nhà dài của người Mạ sẽ còn rất nhiều điều đáng nói. Khi không còn nhà dài thì làm gì còn đốm lửa lấp lóe bập bùng, mùi khói vấn vít trong không gian, chỗ mà nuôi cái chiêng, cái ché hoặc nơi để người già ngồi lại kể chuyện sử thi cho tụi nhỏ sau này tỏ tường về văn hóa tổ tiên…
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thao-thuc-nha-dai-post793689.html
Bình luận (0)